Trang

Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Wassily Kandinsky – Bậc thầy hội họa tiên phong cho trường phái trừu tượng

Được xem là người đi tiên phong trong trường phái hội họa trừu tượng, Wassily Kandinsky đã dỡ bỏ hết những quy tắc về vật thể, hình khối để 'dệt' nên những tác phẩm hài hòa giữa màu sắc và âm nhạc.

Gần 150 năm sau ngày danh họa ra đời (16/12/1866), thế giới lại có dịp tưởng nhớ về người họa sĩ tài ba, lỗi lạc của Nga. Wassily Kandinsky được xem là danh họa đầu tiên theo đuổi trường phái trừu tượng – Các bức tranh của ông rất khó để nhận biết. Chính điều đó làm nên sức hấp dẫn, mê hoặc tới người thưởng thức nghệ thuật và các chuyên gia hội họa trên thế giới.


Wassily Kandinsky


Wassily Kandinsky (16/12/1866 – 13/12/1944) là một họa sĩ, thợ in và nhà lý luận người Nga. Ông là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế kỷ 20, người được tôn vinh với những tác phẩm thuộc trường phái trừu tượng hiện đại đầu tiên trên thế giới.

Bắt đầu từ năm 30 tuổi, Wassily Kandinsky bỏ dở việc dạy môn luật đầy hứa hẹn tại trường Đại học Dorpat để tới trường nghệ thuật Munich (Đức) để theo đuổi ước mơ được cầm cọ vẽ.

Ngay từ khi còn nhỏ, Wassily Kandinsky đã tỏ ra thích thú với màu sắc. Với những hiểu biết về âm nhạc, khoa học, ông đã thêu dệt nên những tác phẩm ‘trừu tượng’, khó đoán.


THE BLUE MOUNTAIN (1908-1909)


Năm 1896, Kandinsky tới sống tại München (Đức) và học tại trường tư thục Anton Ažbe và sau đó là Học viện Mỹ thuật München. Ông trở lại Moskva năm 1914 sau khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ. Tuy nhiên, Kandinsky lại không có đồng quan điểm về những lý thuyết nghệ thuật chính thống tại Moskva (Nga) và quyết định trở lại Đức năm 1921.

Ông cho rằng việc vẽ những đồ vật dễ nhận biết có thể sẽ làm hỏng tranh của ông. Thay vào đó ông muốn những bức tranh mình phần nào phải giống như âm nhạc: chúng chẳng mang một ý nghĩa đặc biệt gì, nhưng lại có một ảnh hưởng sâu sắc tới người xem. Giống như âm nhạc, Kandinsky tin rằng màu sắc và hình khối có thể biểu lộ là gây cảm xúc. Nhưng bức tranh mang đậm “màu sắc âm nhạc” đã gây cho mọi người sửng sốt.




Quảng trường Đỏ, 1916





SEVERAL CIRCLES (1926)


Mặc dù còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nền nghệ thuật Nga, nhưng ông cũng đi nhiều nơi ở châu Âu. Ông trở thành công dân Đức và sau đó là công dân Pháp. Những tư tưởng, những bài viết, bài giảng cũng như các tác phẩm của ông đã dấy lên một cuộc cách mạng nghệ thuật.

Cùng chiêm ngưỡng những tuyệt phẩm hội họa trừu tượng của danh họa Wassily Kandinsky:


COMPOSITION IV (1911)



COMPOSITION VII, 1913



COMPOSITION VIII, 1923



COMPOSITION X 1939
(Theo http://www.ngaynay.vn/)

Bí mật cuộc đời đầy bi kịch của thiên tài hội họa Van Gogh

Sống còm cõi trong nỗi cô quạnh và cảnh bần hàn, danh họa người Hà Lan Vincent van Gogh từng trải qua chuỗi ngày tháng đau khổ, cay đắng trong 37 năm cuộc đời ngắn ngủi.

125 năm sau khi qua đời, công chúng và giới nghệ thuật thế giới mới thực sự công nhận và ngưỡng mộ tài năng của Van Gogh. Ông được vinh danh là thiên tài hội họa.


Van Gogh được hậu thế vinh danh là 'thiên tài hội họa'



Chân dung Vincent van Gogh năm 1886


Nhiều tác phẩm của Van Gogh cũng được ngợi ca là kiệt tác đắt giá nhất của nghệ thuật đương đại, xuất hiện ở vô số các bộ sưu tập của các phòng trưng bày nghệ thuật và viện bảo tàng nổi tiếng nhất trên thế giới.


Vincent Willem van Gogh

Sinh ngày 30/3/1853, mất ngày 29/7/1890, thường được biết đến với tên Vincent van Gogh là một danh hoạ Hà Lan thuộc trường phái hậu ấn tượng.

Van Gogh là nghệ sĩ tiên phong của trường phái biểu hiện và có ảnh hưởng rất lớn tới mỹ thuật hiện đại, đặc biệt là tới trường phái dã thú (Fauvism) và trường phái biểu hiện tại Đức.

Thể nhưng, ẩn sâu trong những họa phẩm đầy thán phục, ngưỡng mộ của ông là những nỗi thống khổ mà chỉ với nghệ thuật Van Gogh mới có thể trải lòng.
Ông từng vào viện tâm thần

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho tác giả của họa phẩm nổi tiếng “Chân dung bác sĩ Gachet” gặp rắc rối trong vấn đề thần kinh dẫn đến việc tự cắt tai năm 1890 và cái chết 19 tháng sau đó.

Lo sợ về sự an toàn của mình và mọi người xung quanh cũng như cho rằng việc rời xa chốn thị thành sẽ khơi gợi cảm hứng nghệ thuật trong ông nên Van Gogh đã tự cô lập và sống đơn độc tại viện tâm thần St. Remy ở Provence, miền đông nam nước Pháp.


Bức 'Starlight Night' được vẽ trong một nhà thương điên ở Saint-Remy-de-Provence

Trong 12 tháng lưu ngụ, Van Gogh vẫn tiếp tục cầm cọ và sáng tác. Tuy nhiên, không lâu sau đó vì nghĩ rằng cách đạt tới nghệ thuật hội họa của mình mang nhiều tính cá nhân nên ông đã tập hợp một số họa sĩ tài danh khác để lập ra nhóm các họa sĩ ấn tượng miền nam, sống và sáng tác tại căn nhà màu vàng huyền thoại. Đêm đầy sao (A Starry Night) là một trong những họa phẩm nổi tiếng của ông thời gian này.
Van Gogh chưa từng rao bán họa phẩm nào

Người em trai của Vincent van Gogh là Theo van Gogh vốn luôn là chỗ dựa cả về tài chính lẫn tình cảm của ông đến tận những năm tháng cuối đời. Mặc dù rất yêu quý em trai nhưng danh họa luôn cảm thấy mình là gánh nặng cho Theo khi hàng tháng vẫn nhận được trợ cấp đều đặn của người em.

Van Gogh quyết định gửi những bức họa của mình cho em mỗi khi nhận tiền hàng tháng với hi vọng Theo sẽ bán chúng để bớt khó khăn. Nhưng Theo đã giữ lại hết số tranh người anh gửi, chỉ duy có bức 'Cánh đồng nho đỏ ở Arles' được bán với giá 1.200 USD.

'Red Vineyard at Arles'

Nhưng nhiều họa sĩ cùng thời khẳng định Theo và Vincent van Gogh chưa từng bán một họa phẩm nào.
Vinh quang đến quá muộn màng sau khi Van Gogh đã qua đời.

Mãi cho đến sau cái chết của Van Gogh, các tác phẩm hội họa của ông mới bắt đầu nổi tiếng và có giá. Và nhờ đó, Theo có thể có được khoản tiền lớn với những bức tranh Van Gogh đã gửi, nhưng ông đã chết vì bệnh giang mai 6 tháng sau cái chết của người anh trai.


Loạt tranh chân dung tự họa của Van Gogh

Điềm báo cái chết trong họa phẩm cuối cùng

Nhiều người tin vẫn tin rằng họa phẩm 'Cánh đồng lúa mì và bầy quạ' là bản di chúc hội họa cuối cùng của Van Gogh. Và khi nhìn vào tác phẩm này, không ít người đoán biết được tâm tư tình cảm của ông trước khi qua đời. Ở đó thể hiện đầy đủ nét nghệ thuật bậc tài cũng như lột tả được hết tâm trạng và mối linh cảm về tấn bi kịch cuộc đời của Van Gogh.


Họa phẩm 'Cánh đồng lúa mì và bầy quạ' là bản di chúc hội họa cuối cùng của Van Gogh
Những nét cọ vẽ cánh đồng lúa chín và đàn quạ đen xiên, thô và ngắn dưới bầu trời mây đen vần vũ, khỏa lấp áng mây xanh, trắng thể hiện nỗi buồn quạnh vắng và sự cô đơn đến cùng cực. Trong bức thư cuối cùng gửi cho em trai, họa sĩ có nhắc đến 2 tác phẩm vẽ cùng năm 1890 là Khu vườn của Daubigny và Nhà miền quê với mái rạ.

Dựa theo sắc màu tươi tắn của hai bức họa này và sắc mây đen của Cánh đồng lúa mì và bầy quạ, ta hiểu được đôi chút tâm tư từ phấn chấn, vui vẻ đến u buồn, cô quạnh của danh họa trước những giờ phút cuối cùng của cuộc đời.


Bức tự họa với chiếc tai bị cắt của Van Gogh
Trước khi lìa đời, Van Gogh chỉ thốt ra một câu duy nhất “La tristesse durera toujours" - "Nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi". Em trai của danh họa đã thu thập tất cả các tác phẩm của anh trai, vợ của ông cũng công bố bức tranh cuối cùng của Van Gogh - Wheat Field (Đồng lúa mì).


Mộ của Vincent và Theo van Gogh tại nghĩa trang Auvers-sur-Oise, Pháp


‘Tiếng lòng’ của danh họa qua những họa phẩm
Starlight night – Kiệt tác giữa những cơn điên

Starlight night (Đêm đầy sao) được Van Gogh vẽ trong thời gian điều trị bệnh tại một nhà thương điên ở Saint-Remy-de-Provence (Pháp). Bức tranh được vẽ vào ban ngày, giữa những cơn bệnh qua sự tưởng tượng về khung cảnh bên ngoài cửa sổ phòng bệnh của ông.


Starry Night (Đêm đầy sao)


Trong bức tranh vẽ bầu trời cuộn xoáy, Van Gogh đã thay đổi vị trí của chòm sao Đại Hùng từ phía Bắc sang phía Nam. Đây cũng là tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn đối với các họa sĩ trường phái ấn tượng thế hệ sau này.

The Potato Eaters – Bức tranh đánh dấu mối duyên với hội họa
Một trong những bức tranh đầu tay và nổi tiếng của Van Gogh là The Potato Eaters (Những người ăn khoai – 1885), khi ông đã 32 tuổi. Điều bất ngờ hơn cả là Van Gogh chỉ bắt đầu vẽ khi đã 27 tuổi. Trước đó, danh họa từng kinh qua nhiều công việc khác nhau, thậm chí nuôi dưỡng ý chí trở thành một nhà truyền giáo.


'The Potato Eaters' mô tả cuộc sống mê muội tối tăm khổ ải của những người nông dân

Tuy nhiên, cuối cùng, Van Gogh đã chọn vẽ tranh với chủ đề đầu tiên là mô tả cuộc sống mê muội, tối tăm, khổ ải của những người nông dân. Khi Van Gogh chuyển tới Paris vào năm 1886, ông đã gặp các họa sĩ trường phái ấn tượng nổi tiếng, và đó cũng là khởi nguồn thực sự cho sự nghiệp lừng lẫy của ông.

Van Gogh’s Bedroom – Căn phòng ngủ lập dị

Không chỉ Van Gogh mà em trai ông – Theo Van Gogh, cũng là một người vô cùng kỳ lạ. Mỗi ngày, em trai ông dành dụm 15 francs cho tới khi có đủ 300 francs để sắm sửa đồ nội thất cho một căn phòng ở Arles, miền Nam nước Pháp vào năm 1888. Đây chính là nơi Van Gogh trú ngụ, tránh xa những phê bình mà ông hết sức dị ứng.


'Phòng ngủ của Van Gogh'

Ngay sau đó, Van Gogh đã quyết định sơn lại toàn bộ các vật dụng trong căn phòng này để trở nên phong cách hơn, và ông cũng vẽ một bức tranh kỷ niệm mang tên Van Gogh’s Bedroom (Phòng ngủ của Van Gogh) để ăn mừng sự kiện này.

Các tác phẩm hội họa khác của Van Gogh:



Chân dung bác sĩ Gachet (1890)



Chùm tranh Hoa hướng dương (1890)



Quán café về đêm (1888)
(Theo http://www.ngaynay.vn/Bi-mat-cuoc-doi-day-bi-kich-cua-thien-tai-hoi-hoa-Van-Gogh-p267243.html)


10 tuyệt phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất mọi thời đại

Từ những bức họa bí ẩn có niên đại hơn 30.000 năm đến các kiệt tác điêu khắc còn đang dang dở đêu khiến hậu thế phải ngưỡng mộ, trầm trồ. 10 kiệt tác hội họa và điêu khắc vĩ đại nhất mọi thời đại được đưa ra bởi nhà phê bình nghệ thuật Jonathan Jones của tờ The Guardian (Anh).


1. Bức họa “Bào thai trong tử cung” của Leonardo da Vinci (khoảng 1500 – 1513)


Là một thiên tài toàn năng, không chỉ có tài năng hội họa bậc thầy, Leonardo da Vinci còn là một nhà giải phẫu học tài ba. Ông là người đầu tiên mô tả hình ảnh một bào thai trong tử cung. Trong họa phẩm lừng danh này, Leonardo da Vinci khắc họa tử cung – nơi nuôi dưỡng hình hài đầu tiên của con người như một vỏ hạt dẻ ngựa đang mở.

500 năm trước, danh họa và cũng là nhà khoa học người Ý này đã có thể miêu tả sinh động những bí ẩn về con người thông qua lăng kính sinh học, khoa học tự nhiên thay vì qua góc nhìn tôn giáo thường thấy. Vì lẽ đặc biệt đó, “Bào thai trong tử cung” có thể coi là một trong những họa phẩm vĩ đại nhất trên thế giới. Hiện nay, bức họa đang nằm trong Bộ sưu tập Hoàng gia Anh tại lâu đài Windsor

2. Bức họa “Thánh John Tẩy giả bị trảm quyết” của Caravaggio (1608)


Gioan Tẩy giả có lẽ là vị Thánh Công giáo đi vào hội họa nhiều nhất. Có vô số tranh vẽ về ông với đề tài khá đa dạng, hướng đến những giá trị tư tưởng khác nhau. Trong bức họa của Caravaggio, giây phút tử đạo diễn ra trong sân của một nhà ngục. Tên đao phủ rút dao ra, kề vào cổ Thánh John Tẩy giả và thực hiện cuộc trảm quyết.

Ai đó chứng kiến khoảnh khắc man rợ này qua song sắt tù ngục. Cái chết và sự tàn ác của con người được phơi bày, tỉ lệ cũng như những khoảng sáng tối lại càng xoáy sâu, xâm chiếm lấy tâm trí người xem. Hiện Nhà thờ St John tại Valletta, đảo quốc Malta đang là nơi lưu giữ bức kiệt tác quý giá này.

3. Bức “Tự họa với hai vòng tròn” của Rembrandt (khoảng 1665 – 1669)


Bức chân dung phản ánh một giai đoạn buồn bã trong cuộc đời vị danh họa khi ông bị phá sản, người vợ trẻ sớm qua đời, bản thân ông lại đang vướng vào một vụ kiện tụng với tình nhân. Hai vòng tròn nằm trên tường ở phía hậu cảnh vẫn luôn là một điều bí ẩn. Chiêm ngưỡng bức họa này, bạn sẽ cảm nhận được ánh nhìn thông tuệ thấu suốt của một người đàn ông đã vào độ tuổi xế chiều.

Rembrandt dường như nhìn thấu tâm can của người nhìn và nhận ra cả những điều chưa hoàn hảo. Ông giống như một vị Chúa, một người nghệ sĩ đầy tôn nghiêm, ông khiến cho những ai đứng trước ông cũng như đứng trước tòa án của chân lý và lẽ phải. Hiện bức “Tự họa với hai vòng tròn” đang được lưu giữ tại Kenwood House, London.

4. Các bức họa trong hang Chauvet (khoảng 30,000 năm trước)


Nằm giữa khu vực Ardeche miền Nam nước Pháp, dọc theo dòng sông Ardeche thơ mộng, những hang động ở Chauvet là một trong những di chỉ nổi tiếng nhất thế trên giới về nghệ thuật vẽ tranh trên đá thời tiền sử. Hơn 1.000 bức họa độc đáo, chủ yếu là hình động vật là những tác phẩm tạo hình lâu đời nhất từng được biết đến của con người, với niên đại lên tới 32.000 năm, thậm chí là 35.000 năm. Ai là tác giả của những bức họa động vật tinh xảo và sống động như thật này?

Câu hỏi đó có lẽ sẽ không có lời giải đáp bởi vào thời băng hà chữ viết vẫn chưa ra đời. Những nghệ nhân tranh đá nơi đây có thể là phụ nữ, cũng có thể là trẻ em. Chỉ có một điều chắc chắn, họ là những người Homo sapiens (hay còn gọi là người thông minh) đã để lại dấu ấn với những bức bích họa tuyệt đẹp và thông thái không thua kém gì những bức họa hiện đại ngày nay.

5. Bức “One: Number 31, 1950 của Jackson Pollock (1950)


Nghệ thuật của Jackson Pollock vẫn còn là điều bí ẩn cho đến ngày nay. Bằng cách nào mà việc ném sơn lên bức canvas trải trên nền nhà một cách đầy ngẫu hứng lại có thể cho ra đời một bức họa tuyệt mỹ, một kết cấu hàm ẩn đến thế? Giống như khúc độc tấu của Charlie Parker hay Jimi Hendrix, sự ngẫu hứng đầy tự do như nhảy múa chao đảo nhưng lại đạt được sự nhất quán sâu sắc.

Bức họa theo trường phái trừu tượng gợi nhiều trường liên tưởng trong tâm trí người xem này hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng MoMA, New York.

6. Bức “Las Meninas” (Các thị nữ) của Velázquez (1656)


Nhắc đến hội họa baroque, chúng ta không thể không nhắc đến một trong những danh họa vĩ đại nhất của phong cách này, một trong những nghệ sĩ tiên phong trong thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật Tây Ban Nha, Diego Velázquez. “Las Meninas” khắc họa hình ảnh một buổi vẽ tranh chân dung gia đình hoàng gia Tây Ban Nha dưới thời trị vì của đức vua Felipe IV trong phòng vẽ của Diego Velázquez tại cung điện Madrid. Điểm nhìn của bạn cũng chính là điểm nhìn của đức vua và hoàng hậu, đứng trước nhóm tùy tùng và phản chiếu hình ảnh qua tấm gương sáng.

Velázquez đứng nhìn từ chính bức chân dung gia đình hoàng gia mà ông đang họa. Công chúa và những người thị nữ (meninas) cùng người lùn nữ tập trung lại trước mặt đức vua. Xa xa phía ngưỡng cửa là nơi một quan thị vệ hay người đưa tin đang đứng. Đây là một trong những bức họa ẩn chứa nhiều lớp lang kỳ lạ nhất thế giới. Las Meninas hiện được lưu giữ và trưng bày tại Museo del Prado, bảo tàng quốc gia của Tây Ban Nha tại Madrid.

7. Bức “Guernica” của Picasso (1937)


Picasso đang ở đỉnh cao của sự nghiệp hội họa khi ông bắt đầu cầm cọ để phản đối cuộc oanh tạc bằng không lực ở Guernica - kinh đô của Basque cổ đại, do Hitler chỉ huy trên danh nghĩa của Franco trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Picasso quyết định chỉ sử dụng các màu đen - trắng - xám miêu tả cảnh tượng ảm đạm u buồn của một đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh.

Chủ đề chính toát lên từ toàn bộ bức tranh là sự hỗn loạn của cái chết. Một chiếc đầu lâu như một phần thân con ngựa, một người lính chết nằm ngay dưới chân ngựa. Kiệt tác “Guernica” cũng gợi nhắc lại những bức họa lịch sử như “Đám cháy ở Borgo” của Raphael như lời tuyên ngôn vĩ đại nhất, mạnh mẽ nhất vì con người trong thế kỷ XX. Hiện “Guernica” đang được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng quốc gia Tây Ban Nha Reina Sofia, Madrid.

8. Bức tượng “Prisoners” của Michelangelo (khoảng 1519 – 1534)


Các bức “Prisoners” (Các tù nhân) hay còn gọi là “Slaves” (Các nô lệ) của điêu khắc gia thời Phục hưng Ý Michelangelo vốn được chế tác để đưa vào lăng mộ của Giáo hoàng Julius II, thế nhưng tác phẩm này đã không bao giờ được hoàn thành. Toàn bộ các bức tượng, bao gồm cả bức “Dying and Rebellious Slaves” hiện được trưng bày ở bảo tàng Louvre và “Moses” – bức tượng lớn cuối cùng của Michelangelo, đã tạo nên kiệt tác dang dở vĩ đại nhất trên thế giới.

Sự dang dở này không xuất phát từ sự lười biếng, mà là một sự lựa chọn mỹ học. Sự trỗi dậy bi thương của các tù nhân khi cố gắng thoát ra khỏi những tảng đá đầy bất công đã nói lên số phận con người tương tự như bi kịch Hamlet của đại thi hào Shakespeare. Hiện “Prisoners” đang được lưu giữ tại Viện Hàn lâm nghệ thuật Accademia Gallery, Florence, Ý.

9. Các bức phù điêu ở đền Parthenon (năm 447 – 442 TCN)


Ngôi đền Parthenon linh thiêng, Hy Lạp được xem là kiệt tác kiến trúc cổ điển, nơi lưu giữ những bức phù điêu bằng đá cẩm thạch trải dài trên vách đền, các pho tượng thần đồ sộ và những nét chạm khắc loài nhân mã cuồng nộ đang chiến đấu với con người. Có đến một nửa số tượng điêu khắc tại đền đã bị huân tước Elgin lấy đi khỏi Athens Acropolis (thành phòng thủ của Athen) và chuyển đến London từ hai thế kỷ trước. Phần lớn các tuyệt phẩm điêu khắc của Hy Lạp cổ đại chỉ được biết tới qua các bức sao chép của Công giáo.

Dù vậy, đó vẫn là biểu trưng của mỹ thuật thực sự, là cái nôi của tư tưởng “cổ điển”. Hãy nhìn hình tượng con bò là nguồn cảm hứng cho Keat khi sáng tác trường ca “Ode on a Grecian Urn”, hay tượng những nữ thần khoác trên mình chiếc áo choàng giống trong tranh của Leonardo da Vinci tới mức kỳ lạ. Những ai yêu nghệ thuật cổ điển có thể tới Bảo tàng Anh, London để chiêm ngưỡng những kiệt tác phù điêu này.

10. Bức họa “Mont Sainte-Victoire” của Cézanne (1902 – 1904)


Mont Sainte-Victoire là một ngọn núi ở miền nam nước Pháp. Nó đã trở thành nguồn cảm hứng cho một số bức tranh của danh họa Cézanne. Những nét họa đứt gãy đã tạo nên những mảng màu lấp lánh, để lại chút gì đó như do dự, ngập ngừng. Xúc cảm mãnh liệt của thị giác cùng sự dữ dội trong tâm trí Cézanne khi ông dồn ánh nhìn vào ngọn núi trước mắt và bằng cách nào đó nắm trọn bản thể của nó là một trong những nỗ lực mạnh mẽ và trần trụi nhất trong lịch sử hội họa.

Cái nhìn đó toát lên tinh thần của phong trào lập thể và xu hướng trừu tượng, là cái nhìn của một trong những họa sĩ vĩ đại nhất và có ảnh hưởng nhất đến hội họa hiện đại thế kỷ XX. Hiện Bảo tàng nghệ thuật Philadelphia là nơi lưu giữ họa phẩm quý giá này.
(Theo http://www.ngaynay.vn/)

5 bậc thầy hội họa thay đổi lịch sử nghệ thuật thế giới


1. Masaccio (1401 – 1428)

Masaccio tên thật là Tommaso di Ser Giovanni di Mone Cassai. Ông là một trong những họa sĩ đại tài người Ý thời kỳ Phục Hưng, là tác giả của họa phẩm “Thánh tông đồ Peter tự đối bóng lành bệnh” (St. Peter Healing with His Shadow) (1425); “Đóng đinh thánh Peter”; “Mẹ Đồng Trinh và Thánh Nữ Anne”...


Tác phẩm "The Baptism Of The Neophytes" của Masaccio


Masaccio được xem là người sáng lập nền hội họa Florence. Những nét ảnh hưởng của ông thể hiện rõ trong các tác phẩm của đại danh họa Leonardo da Vinci, Michelangelo và Raphael hồi cuối thế kỷ 15.

Cho đến nay, trải qua 7 thế kỷ, chủ nghĩa hiện thực và những quan sát của ông về kiến trúc và cảnh quan đều khiến hậu thế sửng sốt, khâm phục.
2. Leonardo da Vinci (1452 – 1519)

Đại danh họa người Ý Leonardo da Vinci (1452 – 1519) được công nhận là một thiên tài toàn năng của thế giới.


Thiên tài hội họa Leonardo da Vinci (1452 -1519)


Bên cạnh tài năng thiên bẩm về nghệ thuật hội họa, Leonardo còn am hiểu sâu rộng các lĩnh vực khoa học như toán học, y học, triết học, giải phẫu học, thiên văn học, quang học, thủy lực.

Ông còn là người có những ý tưởng vượt trước thời đại của mình, đặc biệt là khái niệm về máy bay trực thăng, xe tăng, dù nhảy, sự sử dụng hội tụ năng lượng mặt trời, máy tính, sơ thảo lý thuyết kiến tạo địa hình, tàu đáy kép, cùng nhiều sáng chế khác.


Tuyệt phẩm hội họa "Mona Lisa"


“Bữa tiệc cuối cùng” (1495 – 1498), “Mona Lisa”, “ Vitruvius” (1490) là những họa phẩm đỉnh cao của Da Vinci. Đọc thêm: Những kiệt tác hội họa làm đau đầu hậu thế của Leonardo da Vinci
3. Raphael (1483 – 1520)

Raphael là họa sĩvà kiến trúc sư nổi tiếng người Ý. Cùng với Michelangelo và Leonardo da Vinci, ông hình thành bộ ba bậc thầy vĩ đại thời Phục Hưng.


Tác phẩm "School of Athens"


Các tác phẩm của mình, Raphael đã tạo bước nhảy vọt trong việc mở rộng kiến trúc không gian ảnh. Raffaello đã từ bỏ lối vẽ cứng nhắc khi bàn về vấn đề Tôn giáo mà thay vào đó là những nội dung tư tưởng phục hưng văn hoá cổ Hi Lạp, hình thành nên những cấu tứ độc đáo, mới lạ.

Với những cống hiến to lớn cho nghệ thuật, Raphael được phong danh hiệu là “Thánh hội họa” của thời kỳ văn hóa Phục Hưng.
4. Michelangelo (1475 – 1564)

Michelangelo tên đầy đủ là Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni. Ông là một trong những họa sĩ bậc thầy thời kỳ Phục Hưng Ý.


Michelangelo


Thay vì chịu ảnh hưởng từ các họa sĩ cùng thời như Leonardo da Vinci và Raphael, Michelangelo ảnh hưởng nhiều từ phong cách hội họa của Masaccio.

Dù ít có những đột phá bên ngoài nghệ thuật, sự uyên bác của ông trong các lĩnh vực đạt tới tầm mức khiến ông được coi là một người xứng đáng với danh hiệu “Nhân vật thời Phục hưng”.


Tác phẩm "The Last Judgment"


“Đức Mẹ Sầu Bi”, “Vua David”, “Sự phán xát cuối cùng”... là những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của ông.
5. Picasso (1881 – 1973)

Picasso tên đầy đủ là Pablo Ruiz Picasso là một họa sĩ và nhà điêu khắc người Tây Ban Nha.


Picasso


Ông được coi là một họa sĩ và nhà điêu khắc người Tây Ban Nha. Cùng với Georges Braque là hai người sáng lập trường phái lập thể trong hội họa và điêu khắc.

Các tác phẩm của ông được chia ra theo 8 thời kỳ, từ trước năm 1901 đến năm 1949.


Tác phẩm "Guernica"


Các tác phẩm tiêu biêu của ông là “Guernica”, "Nude on a black armchair", “Garçon à la pipe”, “Dora Maar au Chat”...
(Theo http://www.ngaynay.vn/)