Trang

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

TẠ TỴ : họa sĩ lập thể tiên phong của VN.



Sinh năm 1922 tại Hà Nội.
Mất ngày 24/4/ 2004 tại Sài Gòn - Việt Nam
Tốt nghiệp Trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Ðông Dương năm 1943 Ban Sơn Mài.
Tự học sơn dầu. Bắt đầu làm thơ viết văn từ năm 1947.
Tốt nghiệp Khóa 4 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức, Biệt Ðoàn Trưởng Biệt Ðoàn Văn Nghệ Trung Ương, Trung tá Quân đội VNCH (miền Nam).
Sau 30.4.75 : Học tập cải tạo
Vượt biên tới Mã Lai, qua Mỹ đoàn tụ với người con trai
Năm 2002, ông chính thức trở về Việt Nam sống với người con gái
Là một họa sĩ thành danh và được coi là người đi tiên phong trong mỹ thuật Việt Nam đương đại., Tạ Tỵ còn là người làm thơ, viết văn, viết kịch.
Các tác phẩm của ông đã được đăng tải trên các tạp chí văn học từ Bắc vào Nam, từ thập niên 50 cho tới tháng Tư năm 1975, như Thế Kỷ, Ðời Mới, Nguồn Sống Mới, Sáng Tạo, Văn, Văn Học, Hiện Ðại, Nghệ Thuật và Bách Khoa, Tin Văn và Thế Kỷ 21 (Hoa Kỳ)......
Ông là tác giả của rất nhiều tác phẩm, được những nhà xuất bản uy tín ấn hành như: Những Viên Sỏi (tập truyện - Nam Chi Tùng Thư 1962), Yêu và Thù (tập truyện Phạm Quang Khai 1970), Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (nhận định văn học - Nam Chi Tùng Thư 1970), Phạm Duy Còn Ðó Nỗi Buồn (Văn Sử Học - 1971), Cho Cuộc Ðời (thơ - Khai Phóng 1971), Bao Giờ (tập truyện - Gìn Vàng Giữ Ngọc 1972), Ý Nghĩ (tạp văn - Khai Phóng 1974). Ðáy Ðịa Ngục (1985), Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Ðã Ði Qua Ðời Tôi (1990), Xóm Nhà Tôi (1992), Mây Bay (thơ- 1996), Một Chuyến Ngao Du 2000, và sau cùng là cuốn Tuyển Tập Tạ Tỵ được ấn hành vào năm 2001.

   Men rượu - 1951


                                                                     Nhớ Hà nội - 1949


                                                                Người đàn bà - 1951
                                                    ( Do Sotheby bán 19.550 $ singapore )


Dĩa gốm


Hoạ sĩ Tạ Tỵ, người được coi là đi tiên phong trong mỹ thuật Việt Nam đương đại.
Hoạ sĩ Tạ Tỵ sinh ngày 24.9.1922 tại Hà Nội. Cùng với các hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, Lê Quốc Lộc, Mai Văn Nam,Lương Xuân Nhị,... Tạ Tỵ từng là một trong những người thầy dạy mỹ thuật đầu tiên ở Liên khu 3 trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, họa sĩ Tạ Tỵ di cư vào Sài Gòn . Sau 1975, sau một thời gian đi học tập cải tạo, ông định cư tại Hoa Kỳ, và từ năm 2002 hoạ sĩ đã trở về sống và tiếp tục hoạt động nghệ thuật ở VN, và qua đời tại đây.

Bắt đầu viết từ đầu thập niên 50, Tạ Tỵ là một nghệ sĩ đa tài. Ban đầu ông có vẽ sơn mài, cùng thời kỳ với những họa sĩ như Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Nguyễn Tư Nghiêm... Nhưng ông được biết đến nhiều hơn cả khi đi theo trường phái lập thể. Theo họa sĩ Trịnh Cung, họa sĩ Tạ Tỵ là người gắn bó và đi đầu trong phong cách hội họa lập thể ở Việt Nam từ thập niên 1940 đến 1960. Sang thập niên 1970, ông chuyển sang phong cách trừu tượng.

Tuy sống trong thời kì hai miền Việt Nam chia cắt, nhưng người ta không tìm thấy bóng dáng chiến tranh trong hội họa Tạ Tỵ. Một mảng tranh được công chúng biết đến nhiều là những bức ký họa do Tạ Tỵ vẽ về những nghệ sĩ mà ông quen biết. Những bức chân dung các nghệ sĩ như Tchya Đái Đức Tuấn, Vũ Hoàng Chương, Trịnh Công Sơn...có thể tìm thấy nhiều trên sách báo miền Nam Việt Nam trước 1975 và được giới nghệ sĩ đánh giá cao.

Ngoài hội hoạ, ông còn nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực sáng tác: truyện, thơ, kịch bản, bút ký... Trong hơn nửa thế kỷ sáng tác, Tạ Tỵ đã để lại nhiều tác phẩm với các thể loại khác nhau
Năm 1954, họa sĩ Tạ Tỵ di cư vào Sài Gòn và trở thành trung tá đấu tranh chính trị trong quân đội Việt Nam Cộng hòa.

Đây là lý do mà sau năm 1975, tên của Tạ Tỵ ít được nhắc đến công khai ở Việt Nam, tuy rằng, theo họa sĩ Trịnh Cung, Bảo tàng Mỹ thuật ở Hà Nội và TP. HCM vẫn treo một số bức tranh của ông.

                                                                                                                 Thuy Vi




Chân dung Vi Huyền Đắc



Chân dung Hồ Hữu Tường - 1966




Tạ Tỵ là người họa sĩ Việt Nam đứng ở điểm khởi đầu của một chuyển động hội họa khác bắt nguồn từ cái nôi Cao Ðẳng Mỹ Thuật Ðông Dương. Thực sự mà nói, hội họa Việt Nam không có một quá khứ sung túc. Một nước nông nghiệp và nghèo, hội họa đối với Việt Nam là một thứ xa xỉ. Cho đến ngày hôm nay chúng ta chưa tìm được những chứng liệu hội họa nào quan trọng, ngoài loại tranh mộc bản thường được gọi là “tranh Ðông Hồ” hay tranh nhân gian.

Có người nhận xét, người Việt Nam không đặt hội họa ở vị trí trang trọng. Chúng ta ghi nhận nhiều vị minh quân yêu thi văn, nhưng không thấy nói vị vua nào yêu hội họa. Anh Tạ Tỵ cũng đồng ý rằng, ở Việt Nam, hội họa bị xếp dưới văn xuôi, thi ca và âm nhạc. Thói quen này khiến người thưởng ngoạn Việt Nam bị handicap( bất lợi ) trong khả năng nhìn hội họa, trong khi khả năng đọc, khả năng hát, lại có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển. Có lẽ đây là thói quen và khó khăn chung của hội họa toàn cầu, nhưng người họa sĩ Việt Nam chịu thiệt thòi nhất.

Cái khó khăn khác mà những người làm hội họa Việt Nam là sự hiếm hoi những người viết phê bình hội họa. Lý do thật nhiều, mà một vài thí dụ là - sự e ngại của người làm hội họa phải nói về chính mình hay về một người làm hội họa khác - không có nhu cầu phê bình hội họa vì không có thúc đẩy của nhu cầu thưởng ngoạn hội họa. Sự khan hiếm con người phê bình hội họa khiến cho sinh hoạt hội họa thiếu những khích thích tố cần thiết, khiến người thưởng ngoạn hội họa được cung cấp hạn chế những giới thiệu và giải thích hội họa cũng như hướng dẫn thưởng thức hội họa. Một số người Việt Nam có một quan niệm hội họa khá lạ lùng: “Nghệ Thuật không có giải thích.”

Họa sĩ Tạ Tỵ và những họa sĩ ở cùng thời đoạn mở đầu nền hội họa “mới” của Việt Nam như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Lê Phổ... đã làm những mở đầu hội họa trong những điều kiện khó khăn mang cả hai tính khách quan và chủ quan. Họa sĩ Tạ Tỵ đã chịu đựng những khó khăn trầm trọng hơn, khi anh chọn đi con đường khác, con đường “hội họa mới,” với chữ “mới” để diễn tả một phong trào hội họa đã và đang nổi nóng ở phương Tây sau thời Phục Hưng.

Trong khi hầu hết những họa sĩ Việt Nam cùng thời chọn lựa những khai phá hội họa trong chuyển tiếp trường ốc, trong một truyền thống hội họa Việt Nam có thể rất mờ nhạt, họa sĩ Tạ Tỵ đã chọn con đường mới mà chính những kẻ khởi xướng ở phương trời Tây cũng gặp cả thiên nan vạn nan. Phái Lập Thể với những Picasso, Braque... đã làm được những cuộc vượt thoát lớn nhờ những bênh vực, những tiếp tay của những Getrude, Stein, Alfred Jarry, Guilaume, Apolinaire,... Ở Việt Nam sinh hoạt hội họa thiếu vắng những người phê bình hỗ trợ có sức mạnh lý luận thuyết phục.

Một số người phê bình hội họa cũ đã nhìn hội họa theo định kiến quần chúng, nhìn cái đẹp theo nghĩa mỹ thuật, dẫn từ chữ Beau Art của người Pháp. Ở thời đoạn quá độ đó, người làm hội họa cũng như người thưởng ngoạn hội họa Việt Nam hầu hết cũng chỉ tuyên xưng những quy luật lượng giá nghệ thuật cổ điển, kể cả những quy luật lượng giá cái đẹp theo quan niệm Ðông Phương cũ.

Ngoài ra, những người làm hội họa Việt Nam thường phải đặt mình trong những tập hợp nghệ thuật, như một bộ phận thứ yếu của cái toàn bộ để được chống đỡ. Ðó là những tập hợp mang tên những nhóm văn chương, văn đoàn. Phê bình hội họa thường mang tính làng, xã, bộ tộc...

Hình như Tạ Tỵ là con người sáng tạo hội họa đơn độc. Anh không có tên trong một nhóm văn chương nào. Anh chọn con đường đi riêng, con đường đi khác. Anh không thủ đắc những yểm trợ của các nhóm văn chương đương thời. Họa sĩ Tạ Tỵ ghi nhận rằng yếu tố vô tư và công bình rất mỏng manh trong sinh hoạt phê bình hội họa Việt Nam. Tuy nhiên, ông ghi nhận trường hợp đặc biệt với nhà phê bình hội họa Phạm Thanh.

Qua những chọn lựa của Tạ Tỵ và những họa sĩ đương thời, chúng ta không thể khẳng định chọn lựa nào đúng hay sai. Mỗi khu vực khai phá đều có những cái đẹp, cái đúng. Chúng ta hãy nhìn vào chính con người họa sĩ, những suy nghĩ của họ, những kỹ thuật của họ gửi trong tác phẩm.

Họa sĩ Tạ Tỵ đã đạt được những vượt thoát khó khăn trên con đường ông chọn lựa. Ông đã chinh phục đám đông thưởng ngoạn ngay trong cuộc triển lãm đầu tiên của ông tại trụ sở Hội Khai Trí Tiến Ðức vào năm 1952. Cuộc triển lãm riêng duy nhất trên đất Bắc, cộng thêm hai cuộc triển lãm riêng khác tại miền Nam Việt Nam sau năm 1954.

Họa sĩ Tạ Tỵ là người họa sĩ Việt Nam đầu tiên bước vào con đường hội họa mới “modern art” trong một thế giới Việt Nam mang đầy tính bảo thủ ở thời kỳ quá độ. Anh không phải chỉ là con người khai phóng hội họa mới Việt Nam, anh đã là một biểu tượng. Tạ Tỵ-Hội họa lập thể và ngược lại. Anh đã thuyết phục được một đám đông mang tính hoài nghi, phủ nhận những gì khác với truyền thống cũ. Tạ Tỵ, con người khai phá, con người chinh phục. Ðó là những đặc tính đưa ông lên thứ hạng một họa sĩ tên tuổi.

Tạ Tỵ đã thuyết phục đám đông tin ở một thực tế khó tin, khó giải thích: Mọi môn nghệ thuật trong thực tế đều mang tính trừu tượng, vì không có một sao chép toàn bích những đối tượng nguyên thủy được sao chép. Lập thể là một kiểu cách hội họa trừu tượng khác, là một đập phá, cô lập và tái phối trí với những đống, khối, và mảng màu sắc lệch khớp.

Họa sĩ Tạ Tỵ đã thuyết phục đám đông thưởng ngoạn chấp nhận một cái đẹp khác. Chấp nhận chữ “Mỹ” ở một quan niệm rộng rãi hơn. Anh là một họa sĩ mang nội lực sung mãn trong trí sáng tạo, trên cây cọ. Anh có khả năng thuyết phục và có sức mạnh chinh phục.

Tôi có dịp xem một tập hợp khá đầy đủ những họa phẩm của Tạ Tỵ trong chuyến viếng thăm anh tại San Diego. Những bức chân dung vẽ theo lối bán lập thể, những họa phẩm lập thể và những đổi thay mới nhất của anh qua những họa phẩm trừu tượng. Anh tâm sự, anh muốn ghi chép cuộc đời, con người, trong vũ trụ.

Ðiểm lạ nơi Tạ Tỵ, con người khai phá, là anh cũng lại là con người kỷ luật với chính mình, nghiêm minh với những quy luật về kỹ thuật hội họa. Ðiều đặc biệt là hầu hết những họa phẩm của anh đều tích lũy một dũng lực vũ bão. Cái dũng lực đó nằm trong những khối màu vững chãi, những đường nét cương quyết. Tôi nghĩ, một kẻ chinh phục không bao giờ do dự.
                                                                                                                   Long Ân



Tranh minh họa - 1959



Nguyễn Quỳnh cũng có viết mấy câu về Tạ Tỵ trong bài tổng kết ngắn Nhìn lại hội họa Việt Nam hiện đại (1930-1975): Một bài học để so sánh và tìm hiểu. (Tạp chí Hợp Lưu):

Tạ Tỵ không hiểu đã xem tranh lập thể ở đâu mà thường được coi là họa sĩ Việt Nam đầu tiên đưa hình khối vào tranh. Tuy rằng tranh lập thể của ông không đúng là lập thể kiểu Braque, Picasso hay Gris, nhưng ông đã có công thổi vào trong khung cảnh hội họa Việt Nam còn phôi thai trong lịch sử nhân loại, một luồng gió mới. Sau ông, ta thấy rất nhiều bìa nhạc mang màu sắc "lập thể". Hạn từ Sáng Tạo do nhóm của họa sĩ Tạ Tỵ nêu lên rất xúc động trong tâm hồn của thế hệ trẻ. Tranh lập thể của Tạ Tỵ lạ lùng như thơ mới theo kiểu Apollinaire và Prévert tại Việt Nam thuở ấy.Nhân đây, chúng tôi cũng muốn nhắc thêm một chút nữa về Tạ Tỵ, ông có vẽ nhiều chân dung các văn nghệ sĩ, các người cầm bút, các nhà báo rất đẹp, lạ, có bút pháp và bản sắc riêng biệt, rất gần với loạt tranh có tên gọi Tinh tướng họa của Hoàng Lập Ngôn. Loạt chân dung của Hoàng Lập Ngôn vẽ văn nghệ sĩ, có điểm loáng thoáng giống Tạ Tỵ nhưng nhìn kỹ thì khác nhau rất nhiều. Tạ Tỵ và Hoàng Lập Ngôn đã lọc được cái thần của chân dung muốn vẽ, nắm được những nét chính rồi phóng bút theo cách riêng của mình. Chúng tôi in đính kèm một số chân dung các nhà văn, nhà báo được nhìn dưới mắt Tạ Tỵ để chúng ta có dịp nhớ lại và thưởng lãm.





Nhịp thời gian - 1959


Nhạc calypso - 1960


Không tên vàng - 1974 ( 75 x 75 )


Mùa hè đỏ lửa ( Cất cánh ) - 1972 - 350 x 170
Bảo tàng mỹ thuật TP.HCM


Những mãnh đời tỵ nạn - 1995

                                  

Tạ Tỵ sinh ra tại Hà Nội ngày 24 tháng 9 năm 1922.. Ông  học tại trường Cao đẳng mỹ thuật Đông dương  và tốt nghiệp vào năm 1943. Năm 1945, Tạ Tỵ, cùng với nhiều nghệ sĩ khác, tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp tại Thanh Hóa. thuộc Liên khu III, ông làm việc cùng với các nghệ sĩ khác như Bùi xuân Phái, Nguyễn Văn Tỵ và Nguyễn Sỹ Ngọc,  nhạc sĩ Văn Cao và nhà văn Đào Duy Anh. Ông tiếp tục vẽ và triển lãm tác phẩm của ông, bao gồm cả một cuộc triển lãm trong khu vực kháng chiến năm 1948.   Triển lãm tranh Lập thể  của Tạ Tỵ được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1951; nó tạo ra quan tâm rất lớn của dư luận ,cả ca ngợi lẫn chỉ trích.

Năm 1953, Tạ Tỵ gia nhập vào trong quân đội của  chính phủ Bảo Đại  và di chuyển Sài Gòn, nơi ông được đào tạo để trở thành một sĩ quan pháo binh  đóng quân tại Cần Thơ trước khi tham gia  đơn vị tâm lý chiến của bộ tổng tham mưu. Trong thập niên 1960, nghệ thuật Tạ Tỵ tiến triển từ lập thể qua trừu tượng, một phong cách mà ông sẽ khám phá cho đến hết đời của mình. Ông đã tổ chức triển lãm riêng tại Sài Gòn năm 1956, năm 1961, 1966 đến 1971. Trong giữa thập niên 1960, ông đã chuẩn bị một loạt các bức chân dung 50 nhân vật văn hóa Miền Nam cho một cuộc triển lãm dành cho năm 1965. Đây là  một phong cách độc đáo và đặc biệt để phản ánh cá tính và sự nghiệp của mỗi nhân vật, mặc dù các triển lãm đã bị hủy bỏ ở thời điểm cuối. 
Tạ Tỵ rời quân đội của VNCH năm 1972, sau khi cuộc chiến chấm dứt năm 1975, là một cựu sĩ quan quân đội, ông vẫn bị giam giữ tại một trại cải tạo ở miền bắc Việt Nam trong sáu năm.  Năm 1981, ông vượt biên bằng đường biển đến Malaysia và tái định cư ở California năm 1983. Tạ Tỵ về Việt Nam chỉ một thời gian ngắn trước khi mất năm 2004.

                                                                                                . witness collection

                                                   TRANH CHÂN DUNG CỦA TẠ TỴ



 Học giả Vương Hồng Sển


Nhà thơ Lê Minh Ngọc



Nhà văn Mai Thảo



Nhà văn Sơn Nam






Nguyễn Tiểu Tử - 1965




Nhà thơ Đông Hồ - 1965




Á nam Trần Tuấn Khải - 1965



Nhà văn Vũ Bằng - 1965




Nghệ sĩ Năm Châu - 1965




Nhà báo Thượng sĩ - 1965





Nhà văn Chu Tử-1965



Thi sĩ Tường Linh - 1965



Nhà báo Nguyễn Vỹ-1965



Nhà thơ Đinh Hùng -1964



Nhà thơ Vũ Hoàng Chương- 1964




Nhà thơ Nguyên Sa - 1965

























                                       Những bìa nhạc trước năm 1975 của họa sỹ DUY LIÊM
                                                                 theo phong cách lập thể.










2 nhận xét:

  1. tuyệt vời.....không biết nói gì hơn......

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn, rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng!

      Xóa