Trang

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

TÌM ĐẸP - Đoàn Thêm - Một cuốn sách quí về Mỹ học.

  TÌM  ĐẸP  -   Đoàn Thêm.

Đoàn Thêm là nhà luật học, nhà thơ, sinh ngày 5-11-1915 tại Hà Nội, quê làng Hữu Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, nay là huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.

Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, con trai nhà giáo dục, cử nhân Đoàn Triển (1854-1919). Thuở nhỏ học tại trường Bưởi (Chu Văn An), đậu bằng Tú tài Pháp Việt, rồi vào trường Đại học Đông Dương, tốt nghiệp cử nhân luật trước năm 1945.
Trong kháng chiến chống Pháp ông tản cư ra vùng tự do, khoảng năm 1951 ông hồi cư về Hà Nội, sau năm 1954 vào làm việc tại Sài Gòn, từng làm việc hành chánh tại văn phòng Phủ tổng thống thời Ngô Đình Diệm (1954-1963). Sau đảo chính 1-11-1963, ông bỏ đời sống công chức, viết văn làm báo. Những năm 60 có lúc ông được trao giải thưởng “văn chương toàn quốc” (Sài Gòn), ông đã từ chối vì cho mình là một công chức cao cấp của chính quyền thì không nên nhận giải.
Sau năm 1983 ông được nhà nước Việt Nam cho phép định cư cùng con cháu tại Canada, đến ngày 8-8-2005 ông qua đời, thọ 90 tuổi.

Tác phẩm

-Hai mươi năm qua: (1945-1964) (1966)
-Việc từng ngày 1965, 1966, 1967, 1968, 1969, (1969)
-Những ngày chưa quên (1967)
-Những ngày muốn quên (1992)
-Lược khảo về hiến pháp các nước Á đông
-Lược khảo về chính đảng
-Về văn chương, nghệ thuật:
-Nhạc dế, (thơ, 1960)
-Vườn mây (nt, 1961)
-Hòa âm (nt, 1961)
-Tìm đẹp (nghị luận hội họa, 1964)
-Tìm hiểu hội họa (1965)
-Quan niệm sáng tác thơ (theo lời thi nhân và học giả Tây phương, 1962)
-Từ Thức (thơ)
-Taj Mahal (thơ)

                                                             LỜI  NÓI  ĐẦU
Tuy mới phát triển từ cuối thế kỷ trước. Mỹ học ( Esthétique) hiện nay được phổ biến rộng rãi ở các nước tiên tiến, theo cùng một đà mau lẹ như các môn nghiên cứu và phê bình nghệ thuật khác.
Bắc nhịp cầu giữa các địa hạt nghệ thuật và triết lý, Mỹ học mở đầu những phạm vi bao la và tân kỳ cho trí tuệ và cảm quan, hay đúng hơn, đã lan tràn ra mọi trạng thái cuộc sống, để nhận hoặc tìm thêm vẽ đẹp.
Môn học này đã ảnh hưởng mạnh mẽ ngấm ngầm vào sự tiến hóa của nghệ thuật thuần túy, mỹ nghệ, công nghệ, kỹ nghệ. Nhưng kết quả quan sát và suy luận của nhà mỹ học, giúp ích nhiều cho các nghệ sĩ tìm đường sáng tác, và đem lại cho các giới thưởng thức những ý niệm quảng bác và linh động để hưởng thụ mọi kỳ thú của sự đẹp giữa nhân quần cùng tạo vật.
Bởi đối tượng và phạm vi của mỹ học rất rộng lớn, soạn giả chỉ dám nêu lên và trình bày một vài vấn đề chính yếu, với ước vọng góp phần nhỏ mọn vào công cuộc quảng bá thường thức căn bản, ở một lãnh vực đáng được chú trọng nhiều hơn.
                                                                               Đoàn Thêm.

                               TÔ ĐIỂM TRONG MỸ NGHỆ   (Chương V)

Trong những lúc ngắm đồ đạc, qua trăm ngàn hình thái khác nhau, ở mỗi loại mỗi thời, tôi vẫn thường thấy lơ mơ hình như có điểm chung. Cố tìm, thì dần dần hiện rõ: chính là ở phần tô điểm. Bông hoa được thêu ở bức rèm, chạm ở góc bàn, dệt trên tấm thảm, khắc ở đồ nữ trang...
   Đã có những điểm chung, tất có những cách thức hay thể lệ chung cho các mỹ nghệ. Nếu bao quát được, thì sẽ đở tốn thì giờ dò xét tỉ mỉ mà cũng nắm được dể dàng các đặc tính, vì đồ đạc như rừng, mỗi ngày sản xuất một nhiều, nên cần có ý thức tổng hợp.
   Mỗi ngành chế tạo dĩ nhiên phải theo kỹ thuật riêng, tùy nhiên liệu và dụng cụ cần thiết. Song nếu tô điểm, thì cổ lai vẫn tìm đẹp ở chất, sắc ánh, hình và sự sắp đặt cho cân đối, có nhịp điệu hoặc  ý nghĩa.
   Nhưng các yếu tố và các mục tiêu nói trên, chẵng cũng chung cho cả nghệ thuật hay sao ? Có khác nhiều, vì ở nghệ thuật, mỗi tác phẫm muốn thành công phải có tính cách độc đáo duy nhất và sáng tạo theo một đường lối đặc biệt; còn ở mỹ nghệ, mỗi thứ đồ có thể và cần được chế ra thành rất nhiều đơn vị cùng một kiểu ( hàng vạn ghế Louis XV) và những phương thức kỹ thuật phải tương đối giản dị để dễ áp dụng và phổ biến.

                                              CÁC YẾU TỐ TÔ ĐIỂM

            Chất liệu : - Vẽ đẹp của mỹ nghệ một phần mượn ở chất liệu thiên nhiên, ở vân gỗ, cẩm thạch, vàng, kim cương...Song chất liệu không những dùng để chế tạo, còn để ghép thêm mà tô điểm cho những đồ đạc thuộc về loại hay ngành khác. Hạt  trai, mặt đá của những nữ trang được đính vào nhiều bức thêu : Khảm xà cừ, bạc , đồng được đem dát, cẩn, nạm khay hộp, bàn, cánh cửa, chuôi kiếm : đá hoa, gạch men, ngà voi đóng cùng với ván lát ( marqueterie); lông chim hay xòe trên mũ quân nhân thời xưa hay tù trưởng thời nay ở nhiều miền sơn cước.
           Màu  sắc Màu sắc là yếu tố quan trọng bậc nhất, có khi độc nhất trong sự tô điểm, nhưng ở mỹ nghệ mang một đặc tính : phải rải rất đều tay, nhẳn, phẵng trên cùng một diện tích ( à plats) gọi là sơn thỉ dễ hiểu hơn. Những vết nguệch ngoạc phất phơ có thể rất đẹp ở họa phẩm, sẽ bị coi là vụng về trên vuông lụa, tờ bìa hay tấm thảm ,đồ gốm.
  Khi con người có nhiều tham vọng phô trương và khắc phục thì hay tìm màu sắc huy hoàng sán lạn cho những hình thể nguy nga hoặc oai vệ : cửa khốn khuyết, giáp trụ, hoành phi, bát bửu...Những đồ đạc của vua chúa các thời các xứ văn minh và cả các bộ lạc.  Trãi qua bao nhiêu triều đại, cái đẹp bị xáo trộn cùng quí giá và sang trọng nên màu sắc như vàng son chỉ để phụng sự một số tầng lớp xã hội.
  Phải đợi đến cận đại, các nhà mỹ nghệ và chuyên viên trang trí mới giải thoát cho màu sắc khỏi những ước lệ lâu đời, mà sử dụng cho đúng với  nhu cầu mỹ thuật , tìm đẹp trong sự hòa hợp với các yếu tố khách quan khác như chất liệu, diện tích, khối lượng, công dụng của đồ đạc.
  Nhưng tránh rực rở lòe loẹt, thì lại hay rơi vào buồn tẻ, lạnh ngắt: đó là tình trạng rất nhiều sản phẫm chế tạo bằng cơ khí, kể cả những máy móc; nâu, đen, xanh, xám không những là áo người lao động. Màu tường, mái các xưởng, các guồng xích, bánh xe, còn là màu xe hơi, tàu thủy, chai hộp, cây viết, bàn ghế và bao nhiêu đồ đạc khác mà kỹ nghệ đã đem lại cho loài người ngót hai thế kỷ nay. Bởi vậy, nhiều nhà xã hội học và mỹ học đã lo thay đổi không khí nặng nề và nhờ màu sắc gây một hoàn cảnh vui tươi hơn, ở đồ vật và những nơi làm việc, trường học, nhà ga, phòng đọc sách, trại lính, công sở. Trong nhiều xí nghiệp, hiện nay có nhiều chuyên viên về màu sắc ( coloriste conseil ). Ở nơi nào trụ sở và dụng cụ có màu sắc đẹp, thì số tai nạn lao động giảm đi, và sức làm việc lại tăng lên nhiều : rút kinh nghiệm ở 200 xí nghiệp lớn nhỏ sau đại chiến II. Có lẽ vì thế, mà hồi gần đây, nhiều bàn ghế và xe xe hơi cũng mang màu sắc rực rở?.
              Ánh bóng :- Nhiều thứ đồ cần có hình thái giản dị cho vừa ý đa số người hiện nay. ( Thời xưa, con người hay chế tạo tỉ mỉ, chạm khắc cả những vũ khí, áo giáp, ở phương Đông cũng như phương Tây; nghệ sĩ Gellini bên Ý khắc cả sự tích ngưởi khổng lồ giao chiến ở đầu chuôi dao găm. Vả lại công dụng thiết thực không dung thứ những nét vẽ bay bướm ( như ở báng súng ) hoặc những màu quá vui mắt dễ làm cho đảng trí và có khi gây tai nạn ( xe cộ ). Nên chỉ có thể tìm đẹp bằng cách mài nhẳn và đánh bóng. Đối với những khí cụ không thể bày nhưng để cầm, mó, vịn , đẩy; nghĩa là xúc giác ở đây phải được thỏa mản nhiều hơn thị giác. Ngoài các chất sơn, nhựa láng ( vernis), chất men ( email ) ngày càng được phổ biến, cùng các chất kim khí như kền (nickel) và cờ rôm ( chrome) khám phá từ năm 1797. Sự bôi bóng và mạ sáng khiến cho những đồ vật tầm thường nhất như cái muỗng, viên gạch, chiếc đinh khiến ra sạch, mát, mới, vui; song kỹ xảo này hay bị lạm dụng, nên nhiều đồ mang hào nhoáng của kẻ học làm sang :  chân bàn, tay ghế, xe hơi lộng lẫy với những phụ tùng vành, nẹp, ngáng làm choáng mắt khách qua đường.
            Hình trạng :- Kỹ nghệ mỗi xứ và mỗi thời, cũng như nghệ thuật cũng có tính cách riêng hợp thành những kiểu thức đặc biệt. Song xét về chi tiết, thì ở bất cứ ở nơi nào và bao giờ cũng có rất nhiều hình chung, trong sự cố gắng làm tăng vẻ đẹp của đồ đạc.
  Số các hình đó không thể nào đếm cho hết, nhất là hiện nay nhà mỹ nghệ cũng như nghệ sĩ theo đường lối tự do, tùy hứng tùy tài mà tạo tác.
  Nhưng tựu trung các hình tô điểm đại khái có thể phân ra hai loại , căn cứ vào nguồn gốc chính của sự đẹp :
Tạo vật và kỷ hà học.
  Ở loại thứ nhất, các hình thuộc về tinh tú, vũ trụ, thảo mộc, cầm thú, nhân vật, thần tiên hay đồ vật với hai mục đích. Trước hết con người nhận thấy những vẻ đẹp thiên nhiên muốn thu lấy cho mình mà tô điểm thân thể cùng hoàn cảnh : yêu hoa ở cánh đồng, rừng , bụi đem về trồng thành vườn, rồi in hoa lên áo. Ngoài ra nhiều hình có thể hợp với một tín ngưỡng hay một ý thức, nên được vay mượn để thể hiện niềm tin : cán cân thăng bằng tượng trưng cho công lý, chim đại bàng giương cánh để tỏ trí quật cường, tứ linh long lân qui phượng tức các sức mạnh cao quí trong trời đất.
-Tinh tú và vũ trụ : như mặt trăng, mặt trời, ngôi sao, đợt sóng ( ở  cờ, mũ, binh phục, huy chương.)
-Thảo mộc : như mai. lan, cúc, trúc của phương Đông, bông huệ ở áo các dòng họ vua chúa Capet bên Pháp, cành trúc đào ở mũ văn võ phương Tây, lá acanthe ở đầu cột nhà, các thứ hoa lá ở tường, trần ( rinceaux, frises)...
-Cầm thú : Bạch nga, nhạn, yến, chim sẻ, dơi, rắn, ngựa, hươu, hổ báo, dê núi ( bouquetin ở lọ và bàn ghế)
-Nhân vật thần tiên : Thần ái tình  nhỏ như con nít ( amours), thần vệ nữ, các nhân ngư ( sirènes), người thân bò ( centaures), người thân dê máu dê ( satyres), bát tiên quá hải, thần Vishou của Ấn độ.Người thật thì ít lắm, trừ vài bộ phận như sọ hốc hác đặt trên hai xương đùi.
-Đồ vật: Như bát bửu, khí giới, cây bút và thanh kiếm ở bình phong bội tinh, đàn thất huyền ( Lyre ), ống kèn ( trompette), bầu rượu túi thơ...
   Loại thứ hai gồm các hình kỷ hà học, tam giác, bát giác, vuông, bầu dục...hay nói cho gọn hơn, là muôn vàn đường góc diện tích kết hợp theo các chấm ( points) vạch thẳng ( droite) hay vạch cong ( courbe).
Các chấm hoặc hạt nhỏ có thể tụ vào một khoảng nhỏ hay xếp đặt đều hàng như trên mặt con súc sắc, lấm tấm như sao trên vải lụa điểm ánh vàng bạc ( granulé, pailleté).
  Đường thẳng đứng, nằm hay nghiêng, đều cứng cỏi, rành mạch nhưng dể coi hơn nếu đi song song nhiều vạch ( rayures) : khi chắp hình thành, thì mỗi hình đều gợi cảm tưởng khác nhau tùy người ; đối với riêng tôi : Tam giác: sắc cạnh, nhọn, ác - Vuông: đầy đủ nhưng chặt chẻ quá - Lục lăng : đều hòa - Chử nhật : dể ưa hơn cả vì thế đa số các khung tranh, mặt bàn, cánh cửa, danh thiếp đều theo hình đó.
  Đường cong hóa ra hình tròn hay trái xoan có thể uốn mềm như cung ( arcs) lượn quanh nhiều khúc ( serpentine, méandres) cuốn vài vòng ( volutes) xoáy trôn ốc ( spirales). Tròn cong thì mềm, nhẹ, xinh, dễ kết hợp với tâm tình hơn là lý trí, nhưng dùng vụng hoặc nhiều dễ sinh yếu đuối, rườm rà, nên cần được những đường thẳng chế ngự.
  Dù thẳng hay  cong, các đường thường được chắp nối cho liên tiếp ( arrangements continus) bắt ngang hay đón dọc thành những ô hay màn lưới ( réseaux, quatrillages) tỏa ra nhiều chi nhánh ( ramifications) . Tóm lại đi từ đơn giản đến phức tạp để thành mỹ thức:


grecques

Mê cung nhiều lối- labryinthe.


hình ngôi sao-étoiles


bát quái.


kẻ vạch lồi lỏm- cannelure.


vòi cuốn- vrille.

bánh xe quay- roue tourbillon.

đường tết chéo- entrelacs.

xòe đều- rosaces.






các loại cành lá ở điêu khắc và kiến trúc.


CÁC PHƯƠNG THỨC MỸ NGHỆ.

  Để thực hiện một mỹ thức Motif ( chữ Motif theo từ điển Đào Đăng Vỹ là kiểu vẻ, theo từ điển Đào Duy Anh là kiểu trang sức, song như vậy không rõ ràng, vì chính ở các từ điển này chữ "kiểu" cũng được dùng để dịch tiếng " style" và tiếng " modèle". Vì motif là hình nào chính yếu tô điểm một đồ vật như " chùm nho, con cóc" ở các xà nhà, nên xin tạm dịch là mỹ thức cho tới khi nào ai tìm ra tiếng đúng hơn. Bởi Việt ngữ còn quá nghèo nàn về danh từ mỹ thuật, nên trong bài này, cần ghi thêm nhiều tiếng chuyên môn bằng ngoại ngữ mà chưa ai lo dịch. Mỗi nhà mỹ nghệ dùng khí cụ riêng, đưa tay theo những tác động riêng mà tổng số hợp thành một kỹ thuật cổ truyền hoặc mới được phổ biến.
 Như một bó hoa huệ, có thể thêu bằng kim với nét khâu mũi chỉ ( points) hay đắp nổi bằng vữa (reliefs) với chiếc bay của thợ hồ, hoặc trên gỗ với lưỡi đục của thợ mộc, hoặc dập cho lồi ra (repoussé) trên lá vàng lá bạc bằng búa nhỏ đầu vuông.
Song dù nhằm mỹ thức nào, và nhờ vào kỹ thuật nào, nếu muốn cho đẹp, các nhà mỹ nghệ thường áp dụng một vài phương thức mà những nhà nghiên cứu đã coi là những qui luật. Nhưng cũng như ở nghệ thuật, thiết nghĩ cần quan niệm một cách rộng rãi vì sự đẹp không thể đóng chặt vào những khuôn khổ cứng ngắc; những phương thức ở đây không thể có tính cách bó buộc, chẳng qua là một số kinh nghiệm rút ra từ nhiều nhận xét chung.

Hy lạp

Byzantine

Pompeienne.

Arabe

Celtique

Indienne

Moyenageuse.

 Chứng cớ là mỗi tác giả đòi hỏi một cách khác, theo giáo sư Duvillé :
             Mỹ thức phải đủ những điều kiện :
             -  Gây cảm giác mạnh ( intensité)
             -  Biến cải cho vui mắt ( variété )
             -  Hòa hợp chi tiết và tổng thể ( concordance)
Và muốn được như vậy, ông bắt chú trọng đến qui cũ, tiết điệu và mạch lạc liên tiếp (ordre, rythme,succession).
Nhưng đối với Charles Blanc lại có những 5 luật chính và 5 luật phụ gọi bằng những danh từ khác:
   1- Nhắc lại nhiều lần đối với một mỹ thức   ( répétition)
       Phụ :  Phải theo cùng một thể một điệu    ( consonnance)
   2- Cách mỹ thức nọ đến mỹ thức kia          ( alternance )
       Phụ :  Phải cho đối chọi với nhau             ( contraste )
   3- Các hình cần được cân đối                     ( symétrie)
       Phụ :  Cho tỏa chiều đều từ trung tâm      ( rayonnement)
   4- Tiến dần từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều   ( progression)
       Phụ :  Từ thấp lên cao                             ( gradation)
   5- Trình bày hỗn tạp                                   ( confusion)
       Phụ :  Có thể theo mỹ thức phức tạp       ( complication)
Cứ một khoản thứ 5 của ông cũng đủ phá hết 4 khoản trên, vì nếu đã có thể hỗn tạp, thì mặc ý tung hoành, có quyền thoát ly khỏi những đạo luật mà quá nhiều nhà mỹ nghệ hiện nay không theo nữa. Tuy họ cũng thấy cần qui cũ đó phải tùy cá nhân liệu tìm lấy.
Dù sao những luật của các ông cũng có giá trị tương đối, hướng dẫn sự quan sát của chúng ta ở những đồ đạc đã chế theo kiểu, và giúp chúng ta dò lại những bước đường của nhà mỹ nghệ qua các thời đại, cũng không nên coi các phương thức lổi thời, vì những kiểu cũ có khi sống lại. Duy những phương thức đựơc nêu ra , có thể thu gọn cho dễ xét hơn, và bổ túc bằng những nhận định khác :
a- Phân minh (netteté):- Trong thiên nhiên ở bờ sông, xó rừng, bãi biển, cây cối xù xì, lòa xòa hổn độn, vướng cả mắt lẩn chân tay. Trái lại, giữa nhân quần, con người cần tổ chức đời sống, hoàn cảnh do trí não tạo ra, đòi hỏi trật tự cho gọn và tiện. Mỗi đồ vật phải có hình khối với góc cạnh nhẵn, phẵng, rõ rệt ( các nhận xét ở đoạn này, cũng như trong bài này, đều căn cứ vào đa số các trường hợp thường gặp; không kể đến các kiểu đặc biệt phá cách cho tân kỳ, vì tương đối cũng ít.)Nếu đủ các điều kiện đó, thì vẻ đẹp có thể hiện ra hoặc nổi bật. Bởi vậy, người ta hay theo lề lối sau:
- Vạch kẻ, dùng nét kẻ để chia phần trên phần dưới mà giới hạn, chứa đựng các hình vào mỗi khoảng đều đặn như ở tường, cột, mái, đồ gỗ ( rainures, cannelures, moulures). Ở thời tiền sử, cổ nhân vẽ lên vách đá hoặc làm đồ kim khí, chưa biết phương thức này.
- Viền ở vải, da, quần áo.
- Nẹp ở vật cứng như gỗ, đồ đan.
- Vành, khung quanh ván, cánh cửa, gương soi, đầu mái nhà, thành khoảng tam giác hoặc mí nhà ( fronton, tympan), nhất là tranh ảnh hay tấm tranh, hể lồng vào khung, tất nổi hơn trước gấp bội.( Theo nhà mỹ học René Hughes, thì sự lồng khung do người Ai cập tìm ra trước tiên và phương thức trọng yếu này được lưu truyền mãi. Không gian được xắn ra từng khoảng, sự giới hạn đưa tới sự phân phối các hình thể và sự bố cục trên các công trình kiến trúc và mỹ nghệ.
b- Cân đối (symétrie):- Đẹp ở mỹ nghệ đi liền với tiện ích, dễ coi nhưng còn phải chắc chắn và lâu bền. Các chân bàn phải đều nhau mới đứng vững. Hai cánh cửa không thể bên to bên nhỏ thì khóa hay đóng mới chặt.
Nhà mỹ nghệ khó tránh sự cân đối; và cân đối thực ra cũng gọn mắt, hợp với nhu cầu qui cũ. Cho nên hai tay ghế đã bằng nhau, thì cũng mang những sắc hình tô điểm giống nhau.
Sự cân đối ở hình sắc đồ đạc, cần phải phân biệt rõ ràng với sự cân đối trong cách bày biện. Rất có thể nhà trang trí chỉ treo một bức tranh lệch về một góc tường, chớ không đặt vào chính giữa hoặc treo hai bức bằng nhau ở cùng hàng, vẫn để doi, nếu thích ứng với vị trí của các vật khác trong hoàn cảnh. Nhưng mọi góc cạnh của khung tranh tất nhiên không thể méo, vẫn phải song hành theo chử nhật.
Ở một thứ đồ, nếu điều kiện vững chải, đã đủ rồi, thì sự cân đối có thể thay thế bằng sự xứng hợp. Nếu những bình hai quai dính vào hai bên cổ ( amphore) thì nhiều ấm trà thường chỉ có một quai mà trông vẫn ngay ngắn, không thấy lẻ loi, vì đường cong của quai xứng hợp với nét cong của vòi rót nước.
Ngoài ra, nếu sự cân đối đã ở hình thể của đồ, nhất là đồ nhỏ như chiếc hộp, chiếc bình, thì không cần thấy các mỹ thức tô điểm vì sẽ quá nhiều và làm mỏi mắt.
Dẫu sao, ở mỹ nghệ thời nay, cũng như ở hội họa điêu khắc, vẽ đẹp có thể đi đôi với sự lệch lạc cố ý, thoát lệ thường để tìm thứ tân kỳ; có những lọ pha lê uốn mình vặn vẹo, những đĩa đựng tàn thuốc lá không theo hình chi rõ rệt, gần giống mảnh lá, gần giống vỏ sò, tuy lồi ra lỏm vào, nhưng vẫn nhẳn nhụi bóng bẩy với đường nét mềm mại.
c- Nhịp điệu (rythme):- Tại sao những thềm nhiều bậc, những cầu nhiều khoang, những hàng rào sắt nhiều then, những dây đàn lục huyền, lại hấp dẫn con mắt hơn là cửa thấp bằng sân, cầu thẳng thuột tường gạch chạy dài một dây căng thẳng ở đàn bầu? Nghỉ cho cùng chỉ thấy một lý do: những then, khoang, bậc, dây đều hàng, song song, gây một cảm tưởng nhịp nhàng sánh điệu. Cũng bởi lẻ đó, mà nhiều đền đài từ xưa, người ta hay xây từng dãy cột dọc theo hành lang ( colonnades, péristyles) và giả thử bỏ hết, thì miếu Panthénon ở Nhã điển, nhà thờ Madeleine ở Ba lê, điển Alhambra ở Grenade sẽ chẳng còn đẹp nữa.
Có thể nói các đường nét cột này nhắc lại đường nét cột kia, và lối nhắc đi nhắc lại nhiều lần ( répétition) ở kiến trúc cũng như ở mỹ nghệ, mặc nhiên thành một lệ mà bao đời lẳng lặng theo, đem một hình sắc nhân, làm mấy mươi trên tà áo, màn thêu tủ chạm...
Có khi hai, ba mỹ thức nhỏ liên tiếp cùng hàng, như một vòng tròn rồi đến ô vuông, hay một bông hoa rồi đến một cành lá, và cứ thế mãi; sự xen cách nhau như vậy (alternance) chẳng qua cũng chỉ là lối giao nhịp phức tạp hơn là song song một nét một hình.
Nhịp điệu còn có thể thực hiện bằng những chi tiết giao động : như những tua ( glands) ở ngù vai hay viền khăn, những nếp gấp ( plis et drapés) ở vạt áo hay tượng người, những dây buông thỏng (pendentifs) những chuổi lung linh như ở đèn trần nhiều ngọn ( lustre) . Tuy nhiên những phương thức tô điểm này ít thông dụng vì các vẻ thướt tha vướng víu không thích hợp nữa với đời sống hiện tại, cần gọn gàng.
d- Thích ứng (convenance)- Ở đồ đạc chỉ thấy đẹp khi có sự hòa hợp và nhất là điều độ, nhờ sự tương giao hoặc tương phản để chế hóa, của các đường nét, của các đường nét, hình thể và ánh sắc. Cũng như ở nghệ thuật, người ta lợi dụng đặc tính của nét thẳng bên cạnh đường cong, của màu nóng xen lẫn màu nguội, của màu phụ màu chính làm nổi bật lẩn nhau. Đại khái như vậy, còn thì tùy sự khéo léo của người tạo tác cùng những điều kiện khách quan như sự thích ứng ở mỗi ngành mỗi loại.
Gạch lót nhà không thể mang những hình sắc ánh nào theo lối viển họa: nếu nhìn xuống thấy gần xa, tất bước đi chập choạng dễ trượt ngã ; ở sàn nhà, đệm ghế, thảm chùi chân, không vẽ mặt người vì chẳng lẻ ngồi lên hay có thể chà đạp? Song nếu vậy, bắt các phụ nữ đem thân kiều diễm ra ra đội đèn, làm chân bàn hoặc cột nhà ( cariatides) cũng là sự quá đáng và trái nhân phẩm.



Nhịp điệu ở thánh đường La Madeleine- Paris.


Nhiều thứ tủ Châu âu thế kỷ XV, XVI, rất nặng nề cục mịch, tuy chạm trổ vì bắt chước kiến trúc; tuy cũng cần xà ngang ván dọc, có nóc, có cửa, ván ngăn, nhưng không thể căn cứ vào vài chi tiết tương tự mà đem vào đồ vật nhỏ, những qui mô của ngôi nhà đồ sộ. Hình thể thích ứng với bề thế lớn, không thích ứng với kích thước nhỏ.
Còn rất nhiều tỉ dụ, nhiều trường hợp không thích ứng : bông đeo tai, mà lại chiếc xe kéo, dù nhỏ xíu; sách dạy toán pháp khô khan, mà đóng bìa gáy vàng nạm hoa, đĩa dựng tàn thuốc lá, sao lại chứa một cô khỏa thân giơ đùi ra vẫy thiên hạ?
e- Hoàn hảo( le fini)- Đẹp ở kiệt tác nghệ thuật phải man mác bất tuyệt, càng nhìn càng thấy nhiều thú vị * Người Âu Mỹ thường phàn nàn rằng, các nhà mỹ nghệ ở các nước chậm tiến đã để mất truyền thống hoàn hảo: ít khi chọn được một chiếc bình mà men không có vết, môt cái tủ mà mặt sau được bào cho thật nhẳn. Dù sao không, nếu không đáp lại nhu cầu hoàn hảo, thỉ nhiểu ngảnh mỹ nghệ sẽ chết và chết hẳn.
Nhưng đẹp ở mỹ nghệ phải cho thấy rõ ràng, tất cả, chẳng đợi khám phá thì mới bán được. Một chiếc chén, không thể hơi méo, mặt bàn không thể hơi gồ ghề.. Tóm lại, đã tròn thì phải thật tròn, vuông phải thật vuông, trong sáng phải thật trong sáng.. nhược bằng còn để tiếc đôi chút thì khó lòng được tha thứ ; và hoàn hảo là điều yêu sách gắt gao, nhất là khi thủ công phải đương đầu với kỹ nghệ, thì sự sơ suất của bàn tay, càng bị lộ rõ bên cạnh sự tinh vi của cơ khí.
Đồ đạc ứng dụng vào những nhu cầu thiết yếu của con người, nên dù ở các đời các xứ khác nhau, cũng mang nhiều tính cách tương tự và dể hiểu, chớ không như văn chương nghệ thuật là những giá trị tinh thần chỉ được thông cảm sau nhiều thời gian tiếp xúc. Bát đĩa, vải lụa phương Đông đưa sang phương Tây hay ngược lại, thường đến trước pho sách hay bức tranh; và bởi được trao đổi nhiều hơn giữa các dân tộc, nên sự hổ tương ảnh hưởng cũng mạnh và mau hơn các tác phẩm của Hy Lạp Trung Hoa? Điều đó không đáng chú ý bằng sự đồng nhất, mà ta càng thấy rõ ở đời sống hiện tại mỗi ngày mỗi quốc tế hóa nhiều hơn.

Của Pháp- TK XVII
Của Trung Hoa TK XIV

Ở Âu châu, Cận đông hay Nam mỹ các yếu tố và phương thức tô điểm đều phát nguyên từ sự quan sát tạo vật. Hình thể ánh sắc, tiết điệu..đều có sẳn trong thiên nhiên, con người chỉ tìm cách phỏng theo, châm chước để thâu được vào gổ, vải, đồng, sứ chứ không thể tự hào như một số nghệ sĩ rằng chính mình tự ý tạo ra tất cả. Bất cứ ai chịu ngắm kỷ các vật trong trời đất, dù là nhà khoa học, và nhất là nhà khoa học, đều phải chịu rằng chẳng thể nào hòa hợp và tô điểm, nếu không học hỏi hóa công.
Phân minh, cân đối, hoàn hảo, chưa chắc đã đẹp. Nhưng ở những đố đạc thấy đẹp, thế nào cũng tìm ra một hay nhiều tính cách kể trên.Những tính cách đó không phải là xảo thuật giả tạo, nhưng vẫn có sẳn ở cánh hoa, vẩy cá, 29 hình lá cây, đường gân trên mai con mực biển, 16 thứ tinh thể của hạt tuyết (cristaux de neige), các vòng hành tinh, các hạt nguyên tử.
Duy chỉ người thái cổ hoặc quá chất phác mới lấy hẳn những đồ vật thiên nhiên mà đeo vào thân thể hoặc đem vào nơi trú ngụ, hay cố bắt chước cho hệt. Còn khi trí tuệ đã mở mang, tất cả đều biến cải mà tìm đẹp cho đồ chế tạo, theo kỷ hà học như ở Châu âu, hoặc ý thức hình học như ở các dân tộc không tinh thông toán pháp. Sóng gợn mặt hồ, được đổi thành đường thủy ba song song hay cuộn tròn trên gấm vóc, không biết từ mấy ngàn năm nay * Theo René Hughes, thì do người đảo Crète, người Vikings tìm ra từ 1000 năm trước Dương lịch.
Sự chuyển hóa thiên nhiên, nếu vậy, chắc phát hiện trước hết ở kiến trúc là nghệ thuật cần nhiểu hình học nhất? Cũng có thể nhà cửa là thứ đồ lớn để chứa đồ khác, thì phải có trước? Dẫu sao rất nhiều mỹ thức ở mái, tường, cửa, ở các đình đài Hy lạp, lại được áp dụng cho khí cụ vật dụng thời sau : cành lá tước vàng ( feuille d'acanthe) ở đầu cột kiểu corinthien, bông, trái, và mặt người ( grotesques, arabesques) cũng chạm hay vẽ vào nhiều bàn ghế, huy hiệu. Ở Á đông, rồng phượng nằm trên góc cung điện, cũng múa trên xiêm áo.
Ảnh hưởng của kiến trúc càng ngày càng mạnh hơn. Từ vài chục năm nay, đã nảy ra phong trào xây dựng theo công dụng thiết thực ( architecture fonctionnelle) rời khỏi các mỹ thức rườm rà. Quan niệm đó tràn lan qua công nghệ, mỹ nghệ và mỹ học kỹ nghệ. Kiến trúc sư trút bỏ ở ngôi nhà các chi tiết * Ở các ngôi nhà xây từ 30 năm trờ lại đây, không còn thấy những phần tô điểm cổ truyền , mà ngay những phần xưa kia được coi là hữu ích, nhưng không tối cần, cũng bị bỏ đi cho khỏi tốn công và bận mắt : tỉ như các đầu cột chạm trổ hay nhiều đường nét ( chapiteaux) các đường mép chãy dọc mái nhà ( corniche) các trụ lan can hình con triện ( balustre) các ván lót tường ( lambris) thì nhà mỹ nghệ cũng tứ chối những hoa lá bay bướm ở đồ mộc, đồ sành, đồ kim khí..Thành ra tô điểm và trang trí vẫn cùng tiến triễn cùng nghệ thuật tu tạo, và đồ đạc lệ thuộc nhà cửa cũng phải theo đà giản dị hóa chung, để tìm đẹp trong thanh nhã.






Ở các nước tiên tiến, giới nghệ thuật mỗi ngày một đông và gồm nhiều hạng người :
-Hạng hoạt động để sáng tác: Nhạc sĩ, họa sĩ, nói chung là nghệ sĩ.
-Hạng huấn luyện hoặc chỉ dẫn để sáng tác : Các giáo sư mỹ thuật.
-Hạng nghiên cứu sự tiến triển và phát huy nghệ thuật, phân chia các ngành các phái, nhận xét các nguyên nhân, phương hướng. Tóm lại viết sử về nghệ thuật ( Histoiriens d'art).
-Hạng chuyên chú về kỹ thuật , đường lối thực hiện và đặc tính của tác phẫm, so sánh và cân nhắc giá trị : Các nhà phê bình nghệ thuật ( critiques d'art).
-Hạng đứng về phương diện triết lý, theo những phương pháp thăm dò của nhà tâm lý học mà khám phá bí quyết cấu tạo, cố tìm tiêu chuẫn định nghĩa cái đẹp, hoặc xác định những quan điểm về nghệ thuật : Các nhà mỹ học ( esthéticiens).
-Hạng nhà văn, nhà báo, hoặc giáo sư viết để phổ biến cho đại chúng những thưởng thức về nghệ thuật mà đa số vì hoàn cảnh hay trình độ học vấn không thể tự mình thâu lượm ( vulgarisateurs).
-Hạng tích trữ nghệ thuật cổ hay kim, vì sở thích riêng hoặc mục đích doanh lợi, để chơi hay bán lại ( collectionneurs d'art, antiquaires, courtiers, marchands).
-Hạng thưởng thức mua hoặc không có tiền mua tác phẩm, nhưng hiểu biết và yêu quí nghệ thuật ( Amateur d'art).
Mỗi hạng người đó góp phần tài hoa, nổ lực và thiện chí, nên nghệ thuật mới tiến mạnh ở các xã hội Âu Mỹ. Khi nói về văn chương hóa (culture) hoặc khen ai có kiến thức ( cultivé) người phương tây yên trí rằng kiến văn đó bao gồm cả sự huấn luyện hay am hiểu về hội họa, kịch, điêu khắc... Nhà khoa học Einstein rất ưa nhạc, chính khách Churchill biết vẽ.
Cách đây khá lâu, nhân dịp đọc sách nghệ thuật, tôi nhận ra mình chẳng thuộc hạng nào kể trên, mặc dù có phương tiện học hỏi: không sáng tác không nghiên cứu, cũng không nghĩ đến thưởng thức. Nhưng giá thử bạn nào chê tôi thiếu hiểu biết, rất có thể lòng tự ái của tôi nổi dậy, và thân cũng hóa sơ. Dù sao, vấn đề cần giải đáp là tại sao tôi quá thờ ơ ?
Khi học sữ ở trường, tôi phải thuộc vanh vách từng ngày tháng năm chiến trận..song đến mục nghệ thuật thế kỷ này hay thế kỷ khác, và nhiều bạn và tôi thấy tẻ nhắt, bỏ qua, mong rằng thi đừng bị hỏi về những lenôtre hay Coysevox. Bởi vậy, tôi biết Nã Phá Luân I thắng trận Austerlitz ngày 5.12.1805, nhưng không hay rằng ở thời đó có họa sĩ David và họa phẫm Le serment des Horaces. Chém giết thì tôi nhớ, làm đẹp cho đời thì bị tôi quên, và tất cả công cuộc sáng tạo kiền thiết từ cổ không được tôi chú trọng bằng sự gian trá của Birmark
hoặc tàn bạo của Thành Cát Tư Hãn. Bạn X giễu tôi : may ra anh sẽ thành học giả. Nhưng rồi tôi thấy chưa học thật, và ngay ý niệm về kiến văn học thức của mình cũng cần được xét lại.
Tôi đã lâu ngày dững dưng vì thành kiến. Không nhớ ai đã in sâu vào đầu óc tôi rằng, nghệ thuật chỉ là một thứ xa xỉ dành cho thiểu số dư tiền và thời giờ. Song nhiều người đói rách mà vẫn mãi miết để thành những danh họa như Manet hay Modigliani. Người nghèo cũng biết mua những bức tranh sau này nổi tiếng như : Soulier hay Zborovski. Sự thưởng thức chẳng phải độc quyền của giới nào hết , và các viện bảo tàng chẳng cấm ai vào, cũng như những phong cảnh thiên nhiên chứa chất sự đẹp.
Nhưng tôi đã trót học nhiều bằng ký ức, rất ít bằng giác quan thuộc lòng ở lớp dưới, góp nhặt chắp nối các điều nhớ được mà tập lý luận ở cấp trên, chẳng mấy dịp quan sát trực tiếp, nhìn , nghe mà rung động : như vậy thì quen biết và ưa thích nghệ thuật làm sao ? Từ năm 15 tuổi, tôi đã biết cây tre thuộc giống " hòa bản
Graminacées" nhưng mãi năm 20 tuổi, lần đầu tiên mới buồn vì thấy bụi trúc bên vườn nẩy hoa để báo trước những ngày tàn tạ.
Tôi đi học vì chỉ quí chữ nghĩa, thích thơ và coi rẽ tranh, trọng thầy dạy văn, khinh thầy dạy vẽ. Ông kiến trúc sư họa kiểu chẳng qua như ông thầu khoán xây nhà ? Ai đã giảng cho tôi rõ : nhạc đi đôi với lể, và lể nhạc là phương châm của thánh hiền để dắt con người tới nhân nghĩa ? Nhưng đồng thời ai đã truyền khẩu cho tôi rằng xướng ca vô loài ? Racine nổi tiếng là một kịch gia đại tài, nhưng tôi chỉ được xét tác phẫm của ông về phương diện văn chương, chớ đâu có dịp xem trình diễn những tấn tuồng Andromaque hay Iphigénie, để tự mình nhận chân giá trị của sân khấu ?
Tin ở tiến bộ loài người và mong ước chính mình mỗi ngày một hơn trước, tôi vẫn biết sự cải thiện buộc chúng ta luôn luôn xét lại những quan điểm cũ, những truyền thống chật hẹp, và nếu cần thì đổi thay cả cái nhìn nhận và hướng cảm xúc quen thuộc. Nhưng lại quên rằng về phương diện này, còn gì hiệu nghiệm hơn là theo đuổi hoặc theo dõi nghệ thuật ? Trước và sau khi hiểu nhạc hay họa, chắc chắn các phản ứng của tâm hồn cá nhân phải khác và khác nhiều hơn là khi đọc sách : vì những âm thanh hình sắc ảnh hưởng thẳng và thâm nhập tiềm thức chớ không như chử nghĩa khô khan phải chờ sự gạn lọc qua lý trí lạnh lùng.
Tôi thường nghe nhắc đi nhắc lại trăm lần rằng, chúng ta sống ở thời đại khoa học, và khoa học đã biến cải cả mặt địa cầu cùng cuộc nhân sinh. Nhưng trái đất và loài người đã mấy vạn tuổi, khoa học mới nẩy nở vài trăm năm nay ; trước khi đó, cái gì đã đưa con người từ thời ăn lông ở lỗ đến lâu đài Hy lạp, cung đình Venise hay Versailles và các kinh thành hoa lệ ở Ấn độ, Trung hoa, Nhật bản.. Trước thế kỷ 18-19, văn minh hiện ra những gì ?, nếu không phải một phần lớn ở Kim tự tháp ở Ai cập, tranh thời Tống hay Phục hưng, tượng cũa Michelange hay điệu đàn của Bach, bình sứ Giang tây, tấm thảm Ả rập hay vần thơ, chuổi ngọc, giọng hát ? Tóm lại đời sống đã yên lành tươi tốt hơn, nhờ các nghệ sĩ ít nhất mấy ngàn năm nay, mà chưa thấy nghệ thuật phá hoại tan tành như khoa học ở nhiều trường hợp. Cho đến khi khoa học trưởng thành, thì lại cậy nghệ thuật tô điểm cho mỗi đồ sáng chế ngày một dễ coi hơn, từ vành xe đạp, mui xe hơi, đến kiểu máy lạnh, máy khâu, máy bay, tàu biển...và chính các kỷ sư cũng đang cố gắng tìm đẹp ( esthétique industrielle). Mặc dù vai trò vô cùng quan trọng của nghệ thuật trong cuộc tiến hóa chung và cải thiện riêng, tôi bỏ phí bao năm không chịu xem xét, và ngụy biện để tự bào chữa.
Thiếu dịp học hỏi về nghệ thuật, ít ra tôi cũng biết thưởng thức thiên nhiên, khi những vẽ đẹp ở tạo vật sẳn sàng dễ thấy, hà tất tốn công tìm tòi ở lãnh vực trí xảo nhân tạo ?
Vã chăng, từ thuở nhỏ, con người đã biết nghe hát véo von, mặc áo đẹp ngày hội, ưa vị ngon, thích mặt trăng tròn, phân biệt hương thơm và mùi nặng, rồi càng lớn càng thông thạo, chẳng ai dạy cũng ưa ngắm hoặc say nhan sắc, sự mê đẹp hung hăng đến nổi luân lý phải kìm hãm bớt...Nói một cách khác, không cần luyện tập cũng vẫn thâu nhận được mỹ cảm.
Nhưng ỷ vào cảm giác riêng, chắc đâu tôi đã tự mình tìm ra được mọi vẽ đẹp? Một hôm coi một bức ảnh của một người bạn chụp, tôi mới sực tỉnh : quả là bạn đã bắt chộp được những bóng dáng mới lạ trên luồng sóng cát bên sông, tôi đã từng qua lại nhiều phen mà chẳng thấy. Khác nào bạn đã giúp tôi ghi nhận những vẽ đẹp mà tôi cùng bao người khác chưa khám phá được : đó là công của bạn, cũng như của nghệ sĩ ngành khác, hay là một tác dụng của nghệ thuật nói chung. Tôi liên tưởng đến họa sĩ thay chúng ta mà dung hòa màu sắc, đến nhạc sĩ thay chúng ta mà kết hợp âm thanh, đến thi sĩ thay chúng ta mà diễn tả những cảnh tình diễm ảo.. Họ sáng tác cho họ, nhưng đồng thời cũng ngắm hộ, nói lên hộ khi ta thiếu khả năng, phương tiện hay cơ hội. Vậy tôi nên tiếp nhận sự giúp đở đó, và chỉ việc thông cảm với họ.
Với tâm trạng kẻ lười, tôi đã từ thiên nhiên hay thực tế lân la vào các phạm vi nghệ thuật, và hưởng sẳn những vẽ đẹp do nhiều nghệ sĩ tìm ra một cách tài tình.
Song tài tình không có nghĩa là dễ dàng, bởi sự đẹp qua mỗi tâm hồn nghệ sĩ thường bị sắp đặt biến đổi ít hay nhiều, theo tính khí hay ý tưởng cá nhân, rồi mới được đưa ra cống hiến cho đời. Tác phẫm càng giàu cá tính càng xa thông thường, nên có thể không phù hợp ngay với cảnh và tình của tôi mà rung chuyễn tức khắc. Đứng trước những công trình độc đáo, lắm khi tôi còn phải nghĩ, mới hiểu rồi ưa. Chứ nếu dễ ưa nhìn thì dễ chán : nhiều bản nhạc cổ điển, thoạt nghe chỉ thấy váng đầu, khó chịu, trái lại nhiều bài ca tiệm nhảy mới hát thích liền, song nếu tôi kiên tâm chờ đợi thấm dần, thì quả thiệt trầm bổng của Mozart đánh bạt hẳn những du dương của Vincent Scotto; cũng như đã hiểu Cézanne thì không thiết tha lắm nữa với ánh sáng ấn tượng, cảm được mong lung của Mallarmé thì ngán nhiều vang động của Hugo.
Những phản ứng đổi thay trước các vẽ đẹp lại khiến tôi ngờ vực chính mình, tôi cần cọ sát với những người phiêu lưu vào nghệ thuật trước hay sau tôi. Dĩ nhiên tôi sẳn lòng tin Hegel, Baudelaine hay Alain hơn các bạn học của tôi, nên bàn với các bạn ít hơn là hỏi các nhà bác học. Thực ra, tôi chẳng muốn tốn công, đối với các vị thường " kính nhi viễn chi " song tới những giờ phút băn khoăn, không quay về các vị thì không biết trưng cầu ý kiến của ai ? Kể thì các nhà nghiên cứu đã nhận xét hộ và chỉ dẫn cho khá nhiều; không đọc Malraux, chắc tôi chưa hiểu bức " đi tuần đêm-la ronde de nuit" của Rembrandt. Cũng lắm khi tôi dè dặt ngờ vực, dù sao sự tham khảo có một ích lợi rõ rệt: các học giả chuyên phê bình nêu ra được giá trị cao quý của nghệ thuật, và khó hơn nữa, là những khía cạnh đáng yêu thích hay đáng chú trọng ở những khu vực mà đa số thường chỉ thấy khô khan, tẻ ngắt: những kiến trúc cổ lổ, những sáng tác thô sơ quái dị của các bộ lạc chậm tiến, những chế tạo tầm thường như đồ nấu bếp ( thuộc arts ménagers )
Như vậy, tìm đẹp thì cần đi xa, nhưng đã muốn nhiều thú vị,tôi ngại ngần chi mỏi bước lang thang, và có đưa chân vào các ngả quanh co vắng vẻ mới hay gặp những cảm hứng không ngờ. Song trước khi buông mình theo gió, nghỉ đến bước đường cùng nơi công chúng tấp nập, vì nếu nhiều người muốn chịu đến, chắc nhiều cảnh để coi, để cùng chia xẻ buồn vui và nhận xem chính mình ưa ghét những gì, rồi liệu chọn những nước non thích hợp, tìm đường riêng dẫn tới thiên thai. Cửa trời nghệ thuật chẳng đóng ngăn ai, và qua đó, có những vì sao không tắt, những bông hoa không héo từ thời phục hưng, đến Acropole đem đơn thuần và hòa hợp chống lại thời gian : tượng nàng Venus, vạn lý trường thành, cơn giông cũng cuồn cuộn màu sắc của Vlamick, những thân hình lộng lẫy thoát thai từ ngọc đá, và mấy ngàn năm cười khóc rung lên thành nhạc...Ở đó, rực rở là đẹp của bạn, mộc mạc êm đềm là đẹp của anh, còn của tôi thì.. một mình tôi biết, một mình tôi hay. Nhưng thôi tôi cũng muốn ngược đường trở về thực tế, và kiểm điểm lại xem có bao nhiêu ngõ đi vào nghệ thuật, đúng hơn có những ngành hoạt động nào được coi là nghệ thuật ?
Đối với người Hy lạp thượng cổ, có 9 nghệ thuật, mỗi ngành có một nữ thánh sư :
Theo thần thoại Hy lạp, vị chúa tể thiên đình Olympe là Zupiter hay Zeus, dang díu với nàng Mnémoxyne, nữ thần của trí nhớ. Sinh ra 9 tiên nữ, mỗi nàng có một phép lạ, tức là một nghệ thuật và phù trì cho những nghệ sĩ trong ngành, thành ra nữ thánh sư của ngành đó ( muse) :
- Calliope : Nữ thánh sư ngành hùng biện và hùng ca.
- Clio : - Sử ký.
- Erato : - Thơ trữ tình êm ái.
- Euterne : - Nhạc .
- Melpomène - Bi kịch .
- Polymnie : - Thơ từ tình .
- Thalie : - Hài kịch và thơ xuân tình mộng cảnh.
- Terpsichore : - Ca vũ .
- Uranie : - Thiên văn và địa lý.


Calliope

Clio

Melpomène

Euterne

Polymnie

Thalie

 Terpsichore

 Erato

Uranie


Sự phân chia đó lộn xộn và không hợp tình hợp lý. Sử ký, địa lý, thiên văn, từ mấy thế kỷ nay đã thành khoa học, hài kịch cần được xếp vào một ngành kịch cũng như các thứ thơ cũng thuộc vào một ngành thi. Hùng biện thì chẳng ai cho là một bộ môn riêng biệt nữa, họa chăng được coi như một loại văn mà thôi : Nếu không thì tất cả các trạng sư, mục sư, nghị sĩ đều thành nghệ sĩ cả ? Sắp đặt lại như thế, thì chỉ có Thi, Ca, Vũ, Nhạc, Kịch. Chỉ ngại thiếu chổ cho : Điêu khắc, Hội họa, kiến trúc, vì nếu hội họa của người Hy lạp không kịp phát triển, thì tượng và đền đài của họ đã làm kiểu mẫu cho cả phương Tây sau này, sao chẳng được thừa nhận là cao quý thiêng liêng để có thể tượng trưng bằng một nữ thần ?
Sự bất công ấy đã được đời sau đền bù. Ở phương Tây từ lâu lắm Họa, Tượng, kiến trúc đã được ưa chuộng như Thi, ca nhạc, vũ . Rồi mỗi thời lại nãy sinh ra một ngành khác, hể được nhiều kiệt tác và được nhiều nghệ sĩ phụng sự thì được các giới trí thức thừa nhận là một nghệ thuật mới : như điện ảnh và một số người đương đòi vinh hạnh kia cho vô tuyến truyền thanh, và cả truyền hình.
Song thừa nhận không phải là sự đương nhiên; nhiều khi dư luận còn phân vân; trong trường hợp nghề nấu ăn (gastronomie). Hiện nay có những viện hàn lâm hay đúng hơn là ẩm thực hội của tư nhân lập ra, dĩ nhiên với những vị uyên thâm về thịt cá và chuyên môn nếm ngửi, ngoài ra không thiếu gì sách báo nghiên cứu một cách tinh tuờng trịnh trọng những phương pháp xào nấu ở ngành này có thể làm đau dạ dày, thì không cho thương nhớ buồn vui và không kích động những nỗi tâm tình sâu xa cao mạnh như thơ hay nhạc. Nhà Mỹ học
Nédocelle còn viện lẽ nữa để bác bỏ nghề nấu ăn và cả nghề chế dầu thơm : nghệ thuật phải trường cữu, nhưng nếu pho tượng hay bức tranh tồn tại, thì thức ăn tan ngay trong miệng, hương ngát chỉ qua chốc lát mà thôi. Nhà học giả Charles Lalo còn tìm ra một nghệ thuật nữa, nghệ thuật yêu đương ( L'art d'aimer). Ông xếp nghệ thuật yêu đương vào hàng thứ 7, sau thơ hàng thứ 6. Có lẽ ngành này gồm " 7 nghề và 8 chử " của Tú bà chăng ? Hoặc Lalo tiên sinh chịu ảnh hưởng của thi mha6n Latin Ovide, người ta đã thường dùng những chử kể trên cuốn sách nói mọi cách chìu lòng người đẹp ? hoặc ông lạm dụng chữ Arts , muốn bóng gió hay chỉ sự khéo léo, người ta thường nói nghệ thuật thành công ( l'art de réussir), nghệ thuật làm ông ( l'art d'être de grand père của Victor Hugo ). Giả thử yêu đương là một nghệ thuật như hội họa, thì cũng khó lòng thấy những vị dám tự xưng là " Nghệ sĩ yêu đương " vì sự hành nghề nguy hiểm lắm.
Thể thao cũng được một số người tôn làm nghệ thuật nhưng đa số chưa chịu . Ngay đến Múa, mà các triết gia Hegel và Schopenhauer cũng không chấp nhận, vì người múa vận dụng thân thể nhiều hơn tinh thần. Nhưng thiết nghỉ nên xem xét từng môn : điền kinh nhịp nhàng theo lối Orcherstique thời cổ, hoặc những lối thế vận jeux olympiques, múa gươm võ Bạch Liên hay Thiếu lâm, đều phơi bày được những vẽ đẹp uyển chuyễn hay hùng tráng; trái lại mấy ông mập mạp ôm nhau vật lộn bẻ chân vặn cổ, không cho thấy gì ngoạn mục. Muốn để định nghĩa vấn đề nghệ thuật, các học giả hay theo cách xếp loại và chia ra :
- Các nghệ thuật chính yếu từ lâu đã trưởng thành (Art majeurs) như Thơ, điêu khắc, hội họa, kiến trúc, kịch, nhạc...
- Các nghệ thuật phụ thuộc hoặc vị thành ( Art mineurs) như : Đồ mộc, đồ sứ, nhiếp ảnh...
Song sự phân biệt đó, căn cứ vào giá trị ước định, chỉ có tính cách tương đối, và đôi khi không phù hợp với sự tiến triển một nghệ thuật có thể thịnh rồi suy và ngược lại. Điện ảnh sinh sau, nhưng về phương diện trình diễn, lắm khi nhiều khả năng hơn kịch tuồng; các tượng đá, tượng đồng bao lâu chỉ là phụ tùng tô điểm vườn tược, phần mộ hay dinh thự, đã thoát ly kiến trúc và nảy nở không kém gì hội họa . Trong thực tế, số phận một nghệ thuật tùy tài năng và nổ lực của những người phụng sự chớ không nhở một giá trị nội tại nào, trừu tượng và bất biến.
Lại có nhiều nhà nghiên cứu chia nghệ thuật ra 2 ngành lớn theo 2 lãnh vực :
- Những nghệ thuật thời gian ( arts du temps) : Thơ, ca, vũ, nhạc.
- Những nghệ thuật không gian ( arts de l'espace) hoặc Nt tạo hình ( arts plastiques) gồm có :
a- Hội họa, điêu khắc, kiến trúc.
b- Các nghệ thuật trang trí ( arts décoratifs) :
- Vẽ tranh kính thánh đường ( Vitrail)
- Ghép tranh bằng đá màu ( Mosaique)
- Đồ gốm, sứ sành ( Céramique)
- Trướng, thêu, thảm ( Tapis, serie)
- Đồ vàng bạc ( Orfèverie)
- Đồ sắt, uốn tiện ( Ferronnerie)
- Đồ mộc ( Ebénisterie, meubles)
- Y phục ( Costume)
- Đồ thêu ( Broderie, dentelle)
- Vườn tược ( Jardin)...
Xét theo các tính chất, người ta còn gọi những nghề kể trên là mỹ nghệ thực hành ( arts appliqués) vì cần áp dụng một kỹ thuật chế biến có ít nhiều tính chất khoa học, hoặc dùng cả cơ khí nhỏ. Đứng về phương diện này có thể chia ra :
- Các nghệ thuật lửa ( art du feu) như đồ gốm, thủy tinh, kính thánh đường...
- Các nghệ thuật gỗ ( art du bois) đồ mộc, đồ sơn, đồ dệt..
- Các nghệ thuật kim khí ( art du métal) như huy chương, đồ sắt uốn...
Sự phân biệt kể trên cũng bị công kích : vẽ trên vải ngang dọc, xây nhà trên đất, đóng đồ đạc phải đủ chiều dài rộng.. Nói tóm lại là cần không gian. Nhìn một thoáng thấy cả chiếc bình, nhưng ngâm thơ là phải đọc dần từ đầu đến cuối, diễn kịch tốn vài giờ : nghệ thuật đòi hỏi thời gian.
Song họa sĩ cũng phải đưa bút từ chổ này sang chổ khác, khán giả đưa mắt từ điểm này đến điểm kia : người vẽ hay kẻ ngắm đều mất thời giờ, sao gọi là nghệ thuật không gian ? Ngược lại bài thơ cũng in hoặc viết trên giấy rộng hẹp, ngắn dài như màu sắc trên tranh, người múa cần sàn phẳng nhẳn, mỗi cử chỉ co vào dãn ra nếu không ở không gian thì ở đâu ? sao bảo là nghệ thuật thời gian ?
Hễ một học giả lập luận, là một vị khác phản đối, cứ cải nhau hoài trong khi họa sĩ cắm cúi vẽ, nhạc sĩ ngất ngưỡng đàn, thi sĩ rung đùi, và giả thử hỏi ông Tú Xương là nghệ sĩ không gian hay thời gian, chắc chắn được một bài nên thân. Nhưng vì chữ đã dùng quen ở nhiều sách báo, nên đành tạm theo cho tiện; miễn sao nhận được đặc tính và tìm được thú vị ở mỗi nghệ thuật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét