Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Sự dữ dội trong tranh "nuy" thời Phục hưng



Sự dữ dội trong tranh "nuy" thời Phục hưng

Bức “Leda and the Swan” (Leda và thiên nga) vẽ năm 1530, trưng bày tại Triển lãm Quốc gia, London, Anh.


Mỹ thuật Phục Hưng là một trong những đỉnh cao của lịch sử mỹ thuật. Thời đó, những họa sĩ thiên tài đã đưa ra cái nhìn hoàn toàn mới mẻ về tiêu chuẩn thẩm mỹ, theo đó, họ tôn sùng vẻ đẹp tự nhiên của cơ thể con người.
Ở thời kỳ này, những truyền thuyết, thần thoại Hy Lạp - La Mã bắt đầu sống dậy và trở thành suối nguồn sáng tạo cho các tác phẩm hội họa. Để phản ánh sự yếu đuối, mỏng manh của con người, các họa sĩ Phục Hưng thường để nhân vật trong tranh lộ nguyên phần xác.
Đối với nghệ thuật Phục Hưng, khỏa thân bỗng trở thành tâm điểm của sáng tạo nghệ thuật, gợi nhớ về một thuở con người sống rất “thiên nhiên”.
Danh họa người Ý Michelangelo (1475-1564)
Khi đã ngoài 50 tuổi, Michelangelo công khai mình đồng tính. Ông dũng cảm viết những bài thơ tình dành tặng một thanh niên quý tộc đẹp trai. Ở thời đó, người ta có thể bị thiêu chết vì đồng tính. Trong bức tranh này, nàng Leda của ông có khuôn mặt khá… nam tính.
Danh họa người Ý Leonardo da Vinci (1452-1519)
Bức “Leda and the Swan” (Leda và thiên nga) vẽ năm 1515-1520, trưng bày tại Triển lãm Uffizi, Florence, Ý.
Leonardo cho rằng phản ánh dục vọng là sứ mệnh vĩ đại của nghệ thuật. Ông từng viết: “Mỹ thuật siêu đẳng hơn thi ca bởi nếu thi ca chỉ có thể miêu tả tình yêu thì mỹ thuật khắc họa tình yêu. Người họa sĩ châm lên ngọn lửa khao khát trong người xem”.
Bức “Saint John the Baptist” (Thánh John làm lễ rửa tội) vẽ năm 1513-1516, trưng bày tại Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp.
Đương thời Leonardo từng hai lần bị bắt vì tội “tằng tịu” với người đồng giới. Tuy vậy, ông chưa bao giờ bị kết án bởi những người tình của ông đều xuất thân quý tộc. Trong bức tranh này, người ta tin rằng Leonardo đang khắc họa một người tình của mình.
Danh họa người Ý Raphael (1483-1520)
Bức “The Fornarina” (Nàng Fornarina) vẽ năm 1518, trưng bày tại lâu đài Palazzo Barberini, Rome, Ý.
Trong bức họa là người tình của Raphael - nàng Fornarina. Chính vì vẻ đẹp này mà ông đã sớm qua đời ở tuổi 37 vì một lần “quá sức”.
Danh họa người Hà Lan Rembrandt (1606-1669)
Bức “Portrait of Hendrickje Stoffels” (Chân dung Hendrickje Stoffels) vẽ năm 1654-1656, trưng bày tại Triển lãm Quốc gia, London, Anh.
Khi Rembrandt thực hiện bức tranh này, người tình của ông cũng đồng thời là nhân vật nữ trong tranh đang gặp rắc rối với nhà thờ vì bị kết án là một “phụ nữ dễ dãi”. Nàng Hendrickje chuyển về sống với Rembrandt dù họ không kết hôn. Bức tranh này đã thể hiện tình yêu sâu sắc mà Rembrandt dành cho người tình, nó lột tả cả vẻ đẹp nhan sắc và nội tâm của nàng.
Bức “A woman bathing in a stream” (Người phụ nữ tắm suối) vẽ năm 1654, trưng bày tại Triển lãm Quốc gia, London, Anh.
Lại một bức tranh khác mà Rembrandt vẽ nàng Hendrickje Stoffels. Nàng trở thành người tình của ông sau khi vợ của Rembrandt qua đời. Ông không thể kết hôn với Hendrickje, bởi việc kết hôn này sẽ tước quyền thừa kế tài sản từ vợ ông. Kinh tế của Rembrandt khá bấp bênh và ông không thể từ bỏ quyền thừa kế. Sau này, Rembrandt vẫn bị phá sản vì ông đầu tư quá nhiều vào trang phục cho người mẫu cũng như sưu tầm quá nhiều tranh.
Danh họa người Ý Agnolo Bronzino (1503-1572)
Bức “An Allegory with Venus and Cupid” (Biểu tượng thần Vệ Nữ và thần Tình Yêu) vẽ năm 1545, trưng bày tại Triển lãm Quốc gia, London, Anh.
Bronzino là người đồng tính. Đương thời, ông chung sống với người bạn đời làm nghề sản xuất binh khí. Khi người tình qua đời, Bronzino đã lãnh trách nhiệm chăm sóc cho gia đình của người đàn ông kia.
Tranh của Bronzino nhấn mạnh vẻ đẹp hình thể và những khoái lạc của con người. Bức họa trên là món quà mà tòa án tối cao của Cộng hòa Florence tặng nhà vua Pháp. Tác phẩm này đã truyền cảm hứng và sự mạnh dạn cho nhiều họa sĩ Pháp sáng tạo nên những tác phẩm đậm màu dục vọng.
Danh họa người Ý Tiziano Vecelli (1490-1576)
Bức “The Venus of Urbino” (Vệ Nữ của tỉnh Urbino) vẽ năm 1536-1538, trưng bày tại Triển lãm Uffizi, Florence, Ý.
Một người bạn của họa sĩ Tiziano từng viết một lá thư tay, trong đó đề cập tới tình hình sức khỏe của Tiziano như sau: “Sức khỏe của Tiziano tốt nhưng đôi khi rơi vào trạng thái kiệt sức vì sau khi thực hiện những bức tranh tuyệt đẹp về phụ nữ, Tiziano thường “yêu” luôn mẫu”. Điều này đã lý giải tại sao những bức tranh của Tiziano luôn chân thực, sống động và thể hiện khát khao mạnh mẽ đối với cái đẹp.
Bức “Danae” (Nàng Danae) vẽ năm 1544-1545, trưng bày tại Bảo tàng Capodimonte, Naples, Ý.
Nàng Danae của thần thoại Hy Lạp đang ngẩng đầu lên nhìn thần Dớt đến tự tình với cô trong hình dáng một cơn mưa vàng.
Bức “Diana and Actaeon” (Diana và Actaeon) vẽ năm 1556 – 1559, trưng bày tại Triển lãm Quốc gia, London, Anh.
Bức tranh kể lại một truyền thuyết Hy Lạp: tráng sĩ Actaeon đi săn trên núi, tình cờ nhìn thấy nữ thần Diana tắm. Actaeon liền bị Diana biến thành một con hươu. Chàng bị chính đàn chó săn của mình xẻ thịt. Đó là cái giá phải trả cho thói tò mò, mạo phạm tới thần linh của Actaeon.
Bức “Saint Mary Magdalene” (Thánh Mary Magdalene) vẽ năm 1535, trưng bày tại Triển lãm Palatina, cung điện Pitti, Florence, Ý.
Danh họa người Ý Palma Vecchio (1480-1528)
Bức “A Blonde Woman” (Một phụ nữ tóc vàng) vẽ năm 1520, trưng bày tại Triển lãm Quốc gia, London, Anh.
Bức chân dung khắc họa một gái điếm ở Venice. Dấu hiệu để nhận biết những cô gái này là trên tay họ luôn cầm một bó hoa. Đặc điểm này sinh ra từ một truyền thuyết La Mã, theo đó gái điếm được bảo vệ bởi nữ thần Cây cỏ.
Danh họa người Ý Antonio Correggio (1489-1534)
Bức “Jupiter and Io” (Thần Dớt và nàng Io) vẽ năm 1539, trưng bày tại Bảo tàng Kunsthistorisches, Vienna, Áo.
Các họa sĩ Phục Hưng đặc biệt thích khắc họa chuyện yêu đương của thần Dớt. Trong các truyện thần thoại cổ xưa, thần Dớt thường ngụy trang, biến hóa khôn lường để có thể tự tình với phụ nữ mà không bị vợ ngài - nữ thần Hera phát hiện ra. Khi ở bên nàng Io, ngài hóa thành sương mù.
Danh họa người Đức Lucas Cranach (1472-1553)
Bức “Cupid Complaining to Venus” (Thần Tình Yêu làm nũng thần Vệ Nữ) vẽ năm 1525, trưng bày tại Triển lãm Quốc gia, London, Anh.
Thần Vệ Nữ trong tranh Lucas Cranach rất thanh mảnh - một “chuẩn đẹp” khá mới so với quan niệm đương thời.
Danh họa người Ý Sandro Botticelli (1445-1510)
Bức “Venus and Mars” (Thần Vệ Nữ và thần Chiến Tranh) vẽ năm 1485, trưng bày tại Triển lãm Quốc gia, London, Anh.
Vẻ đẹp của thần Vệ Nữ đã ru ngủ thần Chiến Tranh. Sắc đẹp có thể khiến mọi sức mạnh dù tàn bạo nhất phải ngã gục. Vì vậy, người ta thường nói cái đẹp cứu thế giới.
Danh họa người Hà Lan Gerrit van Honthorst (1592-1656)
Bức “Saint Sebastian” (Thánh Sebastian) vẽ năm 1623, trưng bày tại Triển lãm Quốc gia, London, Anh.
Bức tranh kể lại chuyện Thánh Sebastian bị bắn chết vì đi theo đạo Thiên Chúa. Trong tác phẩm này, Honthorst thể hiện rõ nét phong cách của mình: sự đối lập mạnh mẽ giữa ánh sáng và bóng tối.
Danh họa người Ý Guido Reni (1575-1642)
Bức “Saint Sebastian” (Thánh Sebastian) vẽ năm 1620-1630, trưng bày tại Triển lãm Dulwich, London, Anh.
Các nhà phê bình mỹ thuật rất giỏi “bắt mạch” đời sống tình cảm của họa sĩ qua tranh. Đối với trường hợp của Honthorst và Reni, họ cùng thực hiện hai bức tranh về Thánh Sebastian. Các nhà phê bình nhận định rằng, ở cả hai tác phẩm, họ đều thấy sự khao khát mạnh mẽ của họa sĩ đối với chính nhân vật mà họ tạo nên.
Anh em họa sĩ người Ý Antonio và Piero del Pollaiolo
Bức “The Martyrdom of Saint Sebastian” (Hành quyết Thánh Sebastian) vẽ năm 1475, trưng bày tại Triển lãm Quốc gia, London, Anh.
Thời Phục Hưng, người ta thường gọi những người đồng tính là “Florenzer” (Người ở thành Florence, Ý). Có từ lóng này là bởi các họa sĩ phương Tây đương thời thích tới Florence sống. Rất nhiều người trong số họ đồng tính khiến chính quyền thành phố quyết định thành lập một ban chuyên trách, phát hiện, xử lý những người đàn ông đồng tính. Bức tranh này đã ngầm phản ánh nỗi lo sợ của các họa sĩ trước sự khắc nghiệt của luật pháp đương thời.
Danh họa người Ý Giorgione Castelfranco (1477-1510)
Bức “Laura” (Nàng Laura) vẽ năm 1506, trưng bày tại Bảo tàng Kunsthistorisches, Vienna, Áo.
Giorgione đương thời nổi tiếng là họa sĩ đào hoa, đẹp trai. Ông chơi đàn luýt rất hay và thường lấy món tài lẻ này để quyến rũ phụ nữ. Ông chinh phục được những người đẹp nổi tiếng ở Venice và thường thuyết phục họ làm mẫu cho các bức vẽ của mình. Đây là một trong những người tình của ông.
Bức “The Tempest” (Giông tố) vẽ năm 1505-1508, trưng bày tại Triển lãm Accademia, Florence, Ý.
Venice là thành phố của tình yêu và sự nghiệt ngã. Những cô gái điếm hết thời có cuộc sống hết sức bi đát.
Danh họa người Pháp Francois Clouet (1510-1572)
Bức “A Lady in her Bath” (Quý bà đang tắm) vẽ năm 1571, trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Quốc gia, Washington DC, Mỹ.
Những quý bà thượng lưu ở Pháp đương thời có “mốt” vẽ tranh chân dung khỏa thân. Người phụ nữ trong tranh là Diane de Poitiers, người tình của vua Henry II của Pháp. Khi nhà vua lên ngôi năm 27 tuổi, Diane đã 48 tuổi nhưng bà vẫn có vẻ đẹp vô song.
Danh họa người Đức Peter Paul Rubens (1577-1640)
Bức “The Little Fur” (Chiếc áo lông) vẽ năm 1630, trưng bày tại Bảo tàng Kunsthistorisches, Vienna, Áo.
Bức chân dung khắc họa nàng Helena Fourment – vợ của Rubens. Họ kết hôn vào năm 1630 khi Helena 16 và Rubens 53 tuổi.
Danh họa người Ý Paris Bordone (1500-1571)
Bức “Venetian Women at their Toilet” (Những cô gái Venice điểm trang) vẽ năm 1545, trưng bày tại Triển lãm Quốc gia Scotland, Edinburgh, Anh.
Tại Venice ở thế kỷ 16 có tới 20.000 gái điếm. Trong tranh là hai cô gái đang thay đồ và trang điểm, người phụ nữ đội khăn xanh là một mụ tú bà.
Danh họa người Ý Tintoretto (1518-1594)
Bức “Leda and the Swan” (Leda và thiên nga) vẽ năm 1555, trưng bày tại Triển lãm Uffizi, Florence, Ý.
Pi Uy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét