Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Bàn về nghệ thuật trừu tượng

Nghệ thuật nào, dù là cao siêu đến đâu, thì cũng phải gắn với cuộc sống, xuất phát từ hiện thực cuộc sống, nhưng để hiểu và cảm nhận được ý nghĩa đích thực, thì lại không thể chỉ nhìn bằng hiện thực giản đơn mà có được.
Nói về nghệ thuật, nhà thơ Tagor cho rằng, nghệ thuật làm ra không phải chỉ để cắt nghĩa một điều nào đó mà là phản ánh một cái gì được hoàn thiện tự bên trong.
Khi ngôn ngữ không thể đủ để biểu đạt được một trạng thái ý niệm hay "tư duy vô thức" nào đó, lúc đó cần đến "ngôn ngữ trừu tượng". Đó cũng là trạng thái tinh thần đạt đến cái “vô” trong quan niệm của đạo Phật. “Tâm để yên như màu trắng, khi phân ra mới thành trăm màu” (Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí). Biểu hiện của nghệ thuật rất đa dạng, phong phú, trong đó Trừu tượng là một trong những hình thức giúp họa sĩ biểu đạt hiện thực.
Thuật ngữ “Trừu tượng” (abstract) dùng để chỉ những gì khái quát, chung nhất của tư duy. Trừu tượng hóa là khả năng tổng hợp, khát quát để chọn ra những đặc điểm, tính chất chung nhất, tiêu biểu nhất của một hay nhiều sự vật, hiện tượng. Như vậy, trừu tượng là hình thức tư duy rất cao và phức tạp của bộ não. Khả năng tư duy trừu tượng chỉ có ở con người, không có ở các loài động vật khác. Nó phản ánh trình độ tiến hóa của bộ não và là biểu hiện quan trọng của sự phát triển văn minh.
Trường phái Trừu tượng (abstractionisme) ra đời ở Mỹ và châu Âu giai đoạn cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 cùng với sự phát triển của nhiều trường phái khác (Ấn tượng, Siêu thực, Lập thể, Biểu hiện,…), chủ trương thoát khỏi sự ràng buộc của hình thể, tự do biểu đạt ý niệm, giải phóng tư tưởng,… Thực ra yếu tố trừu tượng có nguồn gốc từ xa xưa, rõ nhất là trong chữ viết của người Trung Quốc, thực chất đây là một dạng tranh trừu tượng. Trong quan niệm của người Trung Quốc, chữ viết và hội họa có chung một nguồn gốc (thư họa đồng nguyên). Trường phái Trừu tượng sau khi ra đời đã nhanh chóng phân thành nhiều khuynh hướng, ngày nay không còn tồn tại các hình thức kiểu chủ nghĩa như vậy mà xuất hiện nhiều phong cách cá nhân vô cùng đa dạng.
Tranh trừu tượng là một thể loại khó lĩnh hội đối với nhiều người, ngay cả những người làm nghệ thuật cũng chưa phải đã nắm vững được thể loại này. Không chỉ có dòng tranh trừu tượng mà các tác phẩm nghệ thuật Đương đại cũng thách thức sự cảm thụ thẩm mỹ của nhiều người xem. Nó đòi hỏi người xem phải có một trình độ văn hóa, hiểu biết và kinh nghiệm nhất định.
Quan niệm về nghệ thuật cũng như cái đẹp đã thay đổi nhiều, mục đích của nghệ thuật ngày nay không chỉ đơn thuần là mô tả và ca ngợi cái đẹp, mà nghệ thuật phải phản ánh hiện thực cuộc sống (bao gồm cả hai mặt xấu - đẹp; tích cực - tiêu cực). Mặt khác, cái Đẹp trong nghệ thuật không phải để phân tích "mổ xẻ", mà để cảm nhận. Những người muốn phân tích những chi tiết "đẹp" trong một tác phẩm hội hoạ nghệ thuật theo cách nhận định một bức ảnh tả chân, thì sẽ luôn đi nhầm đường. Cảm nhận một tác phẩm trừu tượng hay bất kì một tác phẩm nghệ thuật nào cần quên đi ham muốn phân tích, biện luận, để cho tâm trí được thả lỏng, tự do, giống người nghệ sĩ xiếc đi trên dây, họ phải tập trung cao độ, không để tâm đến những điều khác, dù chỉ là thoáng qua, nếu không sẽ mất thăng bằng và ngã xuống đất. Vì vậy, vô thức là nguồn gốc của ý thức và nghệ thuật. Người xem nếu không được chuẩn bị những hiểu biết cần thiết sẽ dễ bị lạc hướng, không biết bắt đầu như thế nào.
Có một họa sĩ từng nói “…không vẽ được hiện thực mới vẽ trừu tượng…”. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, vì chính người nói là một họa sĩ trừu tượng, song ý người nói không nhằm chỉ trích tranh trừu tượng, mà nhằm phê phán những người không nắm chắc quy tắc cơ bản, bỏ quên hiện thực, “lao thẳng” vào trừu tượng; lại có người muốn lừa thiên hạ bằng lối vẽ nhập nhèm, hổ lốn và cho đó là "nghệ thuật trừu tượng" để che dấu sự non kém của mình. Đó là không hiểu nghệ thuật trừu tượng, mà chỉ là những suy nghĩ lờ mờ, thiếu thực tiễn mà không xuất phát từ hiện thực cuộc sống.
Nghệ thuật nào, dù là cao siêu đến đâu, thì cũng phải gắn với cuộc sống, xuất phát từ hiện thực cuộc sống, nhưng để hiểu và cảm nhận được ý nghĩa đích thực, thì lại không thể chỉ nhìn bằng hiện thực giản đơn mà có được.
Hiện thực và trừu tượng là hai mặt của một vấn đề. Trừu tượng chỉ là cái vỏ, hiện thực mới là cốt lõi. Chính vì thế mà tất cả các họa sĩ, dù là trường phái nào, cũng đều mong muốn mình là họa sĩ hiện thực. Danh họa Picasso nói: “Thực ra đâu có nghệ thuật nào thuần túy là trừu tượng…đó chỉ là cách đặt tên để phân biệt. Bao giờ anh cũng phải bắt đầu bằng một cái gì đó. Cũng không có hội họa có hình dung hay không có hình dung. Mọi thứ đều hiện ra trước chúng ta dưới hình thức của một hình dạng nào đó. Ngay cả những ý tưởng siêu hình cũng có thể được diễn tả bằng những hình dạng có tính biểu trưng. Thật lố bịch khi nghĩ đến một nền hội họa không có hình dạng”.
Trong cuộc sống, trong nghệ thuật - dù là lĩnh vực nào, thậm chí ngay cả trong suy nghĩ hàng ngày của mỗi con người, cũng đã và luôn có sẵn yếu tố trừu tượng. Với hội hoạ, ngay cả những tác phẩm vẽ tả thực nhất vẫn có tinh thần đó, có điều không phải người xem nào cũng nhận ra.
Như vậy, trừu tượng không phải là một hình thức xa lạ mà trái lại, rất gần gũi với con người. Đặc biệt với người nghệ sĩ, tư duy trừu tượng là một phẩm chất cần phải có. Trong thiên nhiên có vô số các hình thù, đường nét, màu sắc, người vẽ phải chắt lọc, chọn ra những gì cần thiết cho mình, để tạo ra tác phẩm vừa có tính hiện thực vừa có tính điển hình. Như vậy khả năng khái quát, trừu tượng hóa rất cần thiết và là thước đo tài năng của người nghệ sĩ.
Do có sự khái quát cao nên nhiều người vẫn hiểu tranh trừu tượng thì phải nhập nhằng, khó hiểu. Thực ra như vậy vẫn là nhìn nhận hội họa theo lối cũ, nghĩa là phải có đối tượng miêu tả, có hình dung cụ thể. Hiểu như vậy là phiến diện và hạ thấp tranh trừu tượng. Cần phải hiểu rằng trừu tượng là hình thức phản ánh phù hợp với những ý tưởng siêu hình, tình trạng vô định của tâm thức. Vì thế, vẽ trừu tượng không hề đơn giản, không phải ai cũng vẽ được. Danh họa người Mĩ Willem De Kooning đã đưa ra những "ý niệm mơ hồ" về trừu tượng như sau: “Không một vật thể nào có thể bị trói buộc và bất kì tính chất chính xác nào đó xác định vật thể đó trong thực tại…đôi khi tôi vẽ ra những khối hình chẳng có một ý nghĩa (theo nghĩa đen) nào cả. Đôi khi những khối hình đó là những ngẫu nhiên hiện ra phù hợp với mục đích của tôi, đôi khi chúng là những vần thơ đồng vọng gợi những khối hình khác; và đôi khi những môtíp có tính nhịp nhàng hợp nhất thành một bố cục, đưa lại cho bố cục ấy một chuyển động. Các vật thể không tồn tại vì tôi, ngoại trừ theo một góc độ dưới tư cách một mối quan hệ tồn tại giữa chúng hoặc giữa chúng và bản thân tôi…”. Và quan niệm về cái đẹp của ông cũng rất gần với nghệ thuật phương Đông và trường phái Trừu tượng: “…Nó không có mặt ở đây. Nó ở trong một trạng thái không hiện diện tại đây. Nó vắng mặt, đó chính là lí do tại sao nó quá đẹp”.
Có thể ví von, tranh trừu tượng giống như một bản giao hưởng mà tất cả phải phối hợp làm một, tạo nên âm hưởng chung, nếu không, bản nhạc sẽ loạn như âm thanh của cái chợ. Trong bức tranh, màu sắc, đường nét hòa quyện với nhau tác động tới người xem gợi cảm xúc hay ấn tượng nào đó. Nếu người vẽ không am hiểu, không làm chủ và ý thức được mình thì kết quả chỉ là hành động bôi (tự phát) mà không phải vẽ (tự giác), đường nét màu sắc sẽ rời rạc, vô hồn.
Trừu tượng chỉ là một trong nhiều hình thức để biểu đạt hiện thực cuộc sống. Nó là phương tiện, không phải là mục đích cuối cùng.
“Sáng tác có lúc như trong mơ, người vẽ không suy nghĩ mà chỉ làm. Khi đã nghĩ mình vẽ trừu tượng thì bức tranh lại không còn là trừu tượng nữa”. Câu nói của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã chỉ rõ chỗ uyên bác tưởng chừng như rất "mâu thuẫn" của nghệ thuật. Vì thế, ngoài sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật cộng với sự thăng hoa, sáng tạo của tư tưởng, thì sự thành công của tác phẩm nhiều khi nằm ngoài sự mong muốn và cố gắng của tác giả.
VŨ TUẤN DŨNG (TẠP CHÍ TUYÊN GIÁO)

Tranh thủy mặc (3)

Vào cõi tranh Thiền
Tác giả : Lê Anh Minh

Vô Lượng Thọ Phật (tranh Tề Bạch Thạch)

Trong môn họa truyền thống của Trung Quốc (thường được gọi là Quốc Họa) ta thường bắt gặp những chủ đề ước lệ quen thuộc được thể hiện với màu sắc đậm nhạt thích mắt, thậm chí những màu tươi vui sặc sỡ. Các chủ đề này lặp đi lặp lại đây đó đến mức sáo mòn, đại loại như hoa (đào, mai, lan, cúc, sen, thủy tiên, mẫu đơn, tử đằng, quỳnh), điểu cầm (phụng, ưng, hạc két, quạ, chim cút, vịt trời, gà vịt, ngan ngỗng), muông thú (hổ, ngựa, lừa, trâu bò, dê, nai), con vật truyền thuyết (long, lân),tôm cá cua, côn trùng (bướm, chuồn chuồn, dế, bọ ngựa, sâu, kiến), cây cối (tùng bách, tre trúc, ngô đồng, dương liễu, phong), phong cảnh (mây nước sông biển, núi non, thác ghềnh, khe suối), trái cây, nhân vật (thật và truyền thuyết)... Những chủ đề này được các họa sĩ khai thác triệt để suốt bao thế kỷ qua. Có người chuyên vẽ đá, hoặc mai, hoặc lau, hoặc trúc... Chính vì thế nên hội họa Trung Quốc lâm vào biển chết, người họa sĩ cảm thấy lúng túng trong mê lộ: bất kỳ ý tưởng nào cũng là cũ kỹ mà các tiền bối đã khai thác hết rồi. Loại tranh này chẳng còn gì tân kỳ nữa, rốt cuộc chỉ là những màu sắc trang trí trong phòng thất mà thôi.

Vòng tròn viên mãn (tranh Torei Enji, 1721-1801)

Kể từ vị tổ thiền 28 Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma (?-528) sang Đông Độ thành sơ tổ thiền Trung Quốc (năm 520, đời vua Lương Võ Đế), thiền đã mọc rễ và lớn mạnh với thông điệp thù thắng: «Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật.» Cho đến đời Nam Tống (thế kỷ XII) thiền du nhập vào Nhật Bản. Thiền đã ảnh hưởng tâm hồn hai dân tộc Trung Quốc - Nhật Bản suốt bao thế kỷ trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trong học thuật.

Trúc trong gió (tranh Sengai Gibon, 1750-1837)

Thế là thiền đã thổi vào nền hội họa truyền thống một luồng sinh khí mới, cứu lấy môn họa này thoát khỏi biển chết. Cách thể nghiệm thiền «minh tâm kiến tánh» là nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ. Hội họa là một ngôn ngữ phi ngôn ngữ, mà ngôn ngữ hội họa há không thể trực chỉ nhân tâm sao? Rõ ràng có thể xem hội họa là phương tiện thể nghiệm thiền để có thể kiến tánh. Nhưng tôn chỉ của thiền là phi phương tiện (bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền) cho nên phải thể hiện thế nào sao cho hội họa trở thành một thứ phương tiện để có thể tải được tư tưởng ảo diệu thâm mật của Phật giáo? Những đặc điểm nổi bật của thiền họa là sự đơn giản tối đa tưởng chừng phi nghệ thuật, sự hướng nội, sự trống trải đầy gợi ý, sự viên mãn trong bất toàn (như lời Lão Tử: «Đại thành nhược khuyết»), và được thể hiện theo phong các đặc biệt: tiết giảm nét bút và chừa nhiều khoảng trống trên giấy (gọi là bút pháp một góc: one-corner style).

Tranh của thiền sư Mục Khê (1180-1250), đời Tống


Trong môn họa Trung Quốc có hai loại bút pháp trái ngược nhau: «công bút» và «ý bút», có thể độc dụng hay kiêm dụng trong tranh. «Công bút» là lối vẽ tỉ mỉ công phu trau chuốt từng chi tiết nhỏ. «Ý bút» là bút pháp tả ý chấp nhận màu sắc, nhưng trong thiền họa bút pháp này ly khai màu sắc, chỉ có mực đen giấy trắng mà thôi. Người Nhật gọi là sumiye (mặc hội: vẽ bằng mực đen), Trung Quốc gọi là mặc họa.

Chăn trâu (tranh Tsuboshima Dohei)

«Mặc» tức là mực đen, làm bằng bồ hóng và keo. Bút làm bằng lông các thú như dê, thỏ, chồn, sói và ngậm được nhiều mực. Giấy vẽ là loại giấy cực mỏng, đặc biệt là giấy Tuyên mà ta quen gọi là «xuyến chỉ». Từ đời Tống trở về trước, tranh Trung Quốc chủ yếu dùng lụa. Từ đời Tống về sau, do kỹ thuật làm giấy tinh xảo hơn, bắt đầu xuất hiện giấy Tuyên. Nói chung, vẽ sơn thủy và tả ý chủ yếu dùng giấy; vẽ nhân vật, điểu, hoa chủ yếu dùng lụa để dễ đạt sự tinh vi tỉ mỉ. Nhưng dù lụa hay giấy, cả hai đều là chất liệu lý tưởng vì hút mực dễ dàng. Điểm này khác hẳn lối họa sơn dầu Tây phương.

Quán Tự Tại

Một chất liệu mong manh dễ rách như giấy được chọn làm công cụ thể hiện cảm hứng nghệ thuật bởi những cảm hứng này phải được tải đi thật nhanh, nếu ngọn bút dừng lại lâu, giấy sẽ bở rách vì quá ẩm ướt. Đường nét phải vẽ nhanh, tiết giảm tối đa và chỉ thể hiện những gì thật cần thiết mà thôi. Một nét bút phóng ra phải là duy nhất, dù nó thế nào ta cũng không được dậm vá, tô điểm hay sửa chữa. Nó phải tự do, không gò ép, không tẩy xóa hay đồ lại. Người nghệ sĩ cứ để mình trôi đi theo dòng cảm xúc một cách tự nhiên tự phát tuyệt đối. Cánh tay, bàn tay, ngọn bút chính là một tổng thể và dường như có bàn tay vô hình nào đó dẫn dắt đi. Thiền họa dường như thực hiện bởi khả năng phi kiểm soát của người nghệ sĩ, một sự phi kiểm soát đầy khổ luyện. Nếu giữa bút và giấy có xen vào sự suy tư lý luận nào đó, điều này sẽ phá hỏng tác phẩm. Ta sẽ lầm nếu cho rằng bức tranh chỉ là những nét nguệch ngoạc cẩu thả vô lối. Đường nét của thiền họa là cái gì bất toàn, nó bất chấp luật phối cảnh (perspective) và luật vẽ bóng (chiaroscuro) vốn là định luật cơ bản của lối họa Tây phương để dựng hình ba chiều. Điều cốt yếu là cái thần của sự vật phải thể hiện được trên giấy, do đó nét bút phải sống động như là nhịp đập của một sinh thể.

zen

Lối họa của tranh thiền khác hẳn lối họa sơn dầu Tây phương. Lối họa sơn dầu đòi hỏi một bố cục nghiêm chỉnh có qui tắc và hệ thống. Vải bố, sơn dầu là những chất liệu mạnh mẽ cho phép họa sĩ tẩy xóa, dặm vá, cạo sửa dễ dàng. Lối họa Tây phương ví như tấm vải triết lý hoàn bị mà các sợi chỉ logic của nó đan kết chặt chẽ với nhau. Nó ví như một giáo đường tôn nghiêm mà tường, cột, nền toàn bằng đá tảng rắn chắc. Ngược lại, thiền họa sao mà nghèo nàn, hình thức sao mà sơ sài thô thiển, đường nét sao mà giản ước, chất liệu sao mà mong manh đến vậy. Thế nhưng, người Đông phương chúng ta lại nhìn thấy trong đó một nhịp sống kỳ diệu ẩn tàng sau từng nét, từng chấm, từng mảng đậm nhạt. Đen và trắng tượng trưng cho cặp mâu thuẫn đối đãi gay gắt trong cõi nhị nguyên này – cõi mà tư tưởng chúng ta chấp trước vào nó: đen/trắng, đúng/sai, thiện/ác, cao/thấp, ngắn/dài, sướng/khổ, đẹp/xấu, có/không, v.v...

Zen ink paintings

Thiền là bất nhị pháp môn (non-dualism) đột phá cái thế nhị nguyên đối lập để giải thoát nhân sinh. Tư tưởng nhất nguyên (monism) phá chấp ấy chính là căn bản đạo pháp thiền. Những sắc độ đậm nhạt tượng trưng cho từng mức độ hóa giải, và tất cả những đen trắng đậm nhạt ấy trong từng nét bút đã thể hiện một sự vật nào đó tưởng chừng vô nghĩa như gốc cây, cục đá, cành hoa, con chim trên cành, ngọn lau trĩu tuyết... nhưng lại chuyển tải được sự sống mà không cần giảng giải. Một đoá huệ nở cô đơn hay một cánh sen lay trong gió là hình ảnh sống động của một tâm hồn thuần phác nguyên sơ trong cơn giông tố cuộc đời. Một lá thuyền câu bé nhỏ trên mặt nước mênh mông cho ta ấn tượng sâu sắc hình ảnh biển cả bao la và sự hiện hữu một tâm hồn sâu kín hòa nhập với cuộc sống vĩnh hằng vô ngại giữa nhịp sóng đời dâu biển. Tất cả những kỳ diệu sâu kín này lại tựu thành trong sự dung dị và phi nỗ lực.

Thiền sư nhập định (tranh Thạch Khác, thế kỷ X)

Thiền họa không phải là chụp hình, mô phỏng hay sao chép một thực thể. Một nét chấm hay một đường cong không tượng trưng cho con chim hay ngọn núi, mà nét chấm đó chính là con chim, đường cong đó chính là ngọn núi, bởi vì thiền họa phải là sáng tạo. Một sự vật trong tranh thiền phải giống thực mà không giống thực, phải viên mãn mà dường như khiếm khuyết. Người nghệ sĩ buông xả mọi nỗ lực chụp hình nguyên dạng sự vật, mà sáng tạo một sinh thể ngoài sự tưởng tượng của chúng ta. Thái độ của nghệ sĩ thiền họa đối với nghệ thuật cũng là thái độ của thiền đối với cuộc sống. Đó là lý do tại sao hầu hết các tác giả của tranh thiền đều là thiền sư hay thiền sinh.


Nét bút của họa sĩ phải dứt khoát như tia chớp, không tô sửa. Bởi vì một sự vật chỉ đẹp khi nó không bị ràng buộc hay câu thúc. Cái đẹp đó nằm trong sự buông xả. Cơ nhục được vận dụng vẽ một đường hay một chấm nhưng đằng sau đó là sự vô tâm. Với sự vô tâm vô niệm của nghệ sĩ thiền, tác phẩm nghệ thuật được hình thành. Thiền họa chụp bắt cái thần của sự vật đương lúc nó vận hành. Điều này có vẻ khó bởi vì vạn vật luôn vận động không bao giờ tĩnh tại. Nhưng người nghệ sĩ thiền họa có thể làm được điều này nếu biết nắm bắt sự sống từ trong tâm nội hơn là tâm ngoại. Khi tác phẩm hình thành, những nét bút phóng phát trực tiếp từ nội tâm không bị tạp niệm ngăn trở đó chính là một sinh thể.


Cho nên, thiền họa khước từ màu sắc, bởi vì màu sắc gợi nên một thực thể trong thiên nhiên mà thiền họa thì không chấp nhận một sự tái hiện nào dù hoàn toàn hay bất toàn. Nếu chủ trương hội họa là sao chép mô phỏng tái hiện giống hệt một sự vật thì không gian hai chiều của trang giấy sẽ không thể hiện được trung thực điều gì, và màu sắc khó mà đạt được nguyên dạng sự vật đó. Và nếu người họa sĩ lại cố vẽ cho thật giống thực thể đó thì cũng chỉ là sự mô phỏng tái hiện rất tội nghiệp mà thôi.


Mặt khác, thiền họa không cho phép sự trì hoãn. Sự diên trì của ngọn bút sẽ phá hỏng tờ giấy vốn dĩ mong manh yếu ớt. Trì hoãn có nghĩa là thay đổi, là vỡ mộng, là toan tính, là lý sự, là câu thúc mà đó không phải là tinh thần của thiền họa. Luôn luôn có một nét nào đó xuất hiện bất ngờ đột ngột trong thiền họa. Nơi mà ta tưởng sẽ có một đường hay một chấm thì lại chẳng có gì cả. Nhưng sự thiếu vắng đó không hề gây thất vọng mà nó gợi ý cho ta mạnh mẽ hơn nữa. Cho nên «bút pháp một góc» khiến cho tranh có nhiều khoảng trống, thoáng và đầy gợi ý. Một trang giấy nhỏ có thể hàm ẩn cả vũ trụ. Một nét ngang ngụ ý cho sự mênh mông của không gian, một vòng tròn gợi ý sự vĩnh hằng của thời gian, chúng còn gợi nên sự vô biên và sự sống nữa.

Lục tổ Huệ Năng đốn trúc (tranh Lương Khải đời Tống)

Điều cần lưu tâm là tranh tôn giáo không phải là tranh thiền. Cho nên tranh họa chân dung chư Phật thậm chí chân dung các tổ thiền hay thiền sư không nên miễn cưỡng xếp vào loại thiền họa. Một số tranh tuy thực hiện với lối công bút nhưng giàu hương vị thiền thì cũng có thể gọi là thiền họa được.

Bước vào cõi tranh thiền là bước vào thế giới u mặc đầy gợi ý. Người nghệ sĩ thiền họa – nguyên là thiền sư hoặc thiền sinh – chẳng những muốn ký thác vào tranh tâm nguyện theo dấu bước của chư tổ bằng cách minh họa chân dung, hành trạng các ngài, mà còn muốn gởi cho tha nhân một thông điệp ẩn tàng qua những hình ảnh đơn sơ đời thường tưởng chừng vô nghĩa với nét bút tiêu sái ngõ hầu tha nhân có thể giải thoát tâm linh. Trong chừng mực nào đó thiền họa có thể xem là một phương tiện chứng ngộ. Chức năng của thiền họa gắn với chức năng của công án thiền.


Kể từ Thiền du nhập lưỡng thổ Trung-Nhật, nền hội họa mỗi nước đã khởi sắc và mang một hương vị thâm trầm. Hương vị thiền giúp thiền họa trở thành một mảng tranh độc đáo tân kỳ và biệt lập trong kho tàng hội họa Đông phương. Người thưởng ngoạn tranh thiền trong phút giây tĩnh lặng trầm ngâm bên tách trà ngát hương, dù đã muôn lần hân thưởng một bức tranh nào đó, nhưng rồi sẽ có một lần chợt thấy mình chới với. Bức tranh mới quá, lạ quá, cơ hồ mới thấy lần đầu. Một chân lý vi diệu vừa được khám phá. Đó là khoảnh khắc của sự bừng tỉnh, như căn phòng kín tối tăm đã lâu nay được mở toang mọi cửa nẻo đón ánh quang huy của một ngày mới, như ngọn đèn vừa thắp lên sau biết bao tháng năm bỏ quên lăn lóc trong bóng tối âm thầm. ●

Tranh thủy mặc (2)

Những bài viết và hình ảnh trích đăng sau đây chỉ với tinh thần học hỏi. Xin các bậc Thầy niệm tình bỏ qua. Trân trọng cám ơn!


Ý nghĩa biểu tượng trong hội hoạ Trung QuốcTác giả : Lê Anh Minh

chinese painting

Tranh của Đường Dần (đời Minh)

Mỗi khi thưởng ngoạn một bức tranh Trung Quốc, ấn tượng ban đầu của đa số chúng ta hầu như ở phương diện hình thức, tức là đánh giá xem tranh vẽ có đẹp hay không. Nhưng nếu tự hỏi tại sao tranh có chủ đề như thế, hay tác giả muốn gởi gấm điều gì qua bức tranh ấy, có lẽ không ít người lúng túng tìm câu giải đáp.

Ở đây chúng ta sẽ không xét tới những hoạ phẩm của những tác giả hiện đại chịu ảnh hưởng những trường phái hội hoạ Tây phương (như phái ấn tượng, phái siêu thực, v.v...) mà chính tác giả mới hiểu hoặc không ai hiểu gì cả (kể cả tác giả). Chúng ta cũng không xét tới các hoạ phẩm mang tính chất tôn giáo bởi vì mục đích của tranh đã thấy rõ. Chúng ta sẽ xét những bức tranh mang đậm nét truyền thống, thậm chí dân gian, để thấy ý nghĩa biểu tượng được gởi gấm trong đó. Thí dụ như tranh có các chủ đề như: hoa điểu, rồng, ngựa, vượn, cá, tùng hạc, sơn thuỷ, v.v...

Đối với loại tranh này, cái chủ đề với ý nghĩa biểu tượng thì quan trọng hơn phong cách hay kỹ thuật thể hiện (thuật ngữ chuyên môn gọi là kỹ pháp 技法). Tác giả có thể dùng công bút 工笔 (tức là lối vẽ tỉ mỉ, bất cứ vật gì cũng có đường viền thậm chí cọng cỏ hay chiếc lá, rồi tô màu lên); hoặc dùng ý bút 意笔 (tức là lối vẽ phóng khoáng, loại bỏ hoặc rất hạn chế đường viền, thậm chí một nét bút cũng thành lá lan hay cọng cỏ). Tác giả cũng có thể dùng màu sắc rực rỡ tươi thắm, hoặc màu sắc nhàn nhạt lạnh lẽo, thậm chí vẽ toàn mực đen (thuật ngữ gọi là mặc hoạ 墨畫). Dù sao mặc lòng, tất cả điều ấy cũng chỉ là những hình thức thể hiện đa dạng, mà mục đích chủ yếu là nhằm chuyển tải một ý nghĩa biểu tượng nào đó.

Có hai điểm nổi bật của loại tranh này. Thứ nhất, trong cuộc sống người ta thường gán cho một sự vật nào đó một ý nghĩa biểu tượng. Thí dụ: trúc là quân tử, mai là giai nhân, cây tùng và chim hạc ngụ ý trường thọ (tùng hạc diên niên 松鶴延年), v.v... Hoạ sĩ chỉ việc thể hiện nó bằng kỹ pháp riêng của mình. Đặc điểm thứ hai là thông qua ngôn ngữ (nhất là từ ngữ đồng âm hay cận âm) người ta sẽ liên tưởng hình vẽ này đến một sự vật nào đó với ý nghĩa biểu tượng nhất định trong tâm thức chung của mọi người. Thí dụ bức tranh vẽ con cá. Chữ Hán ngư 魚 (cá) đồng âm [yú] (âm Bắc Kinh) với chữ dư 餘 (dư thừa, dư dật). Qua ý nghĩa biểu tượng này là niềm ao ước một cuộc sống dư dật, khá giả. Nếu vẽ 9 con cá, thì ước nguyện này càng mạnh mẽ. Chữ Hán cửu 九 (số 9) đồng âm [jiǔ] với chữ cửu 久(lâu dài, trường cửu). Cửu ngư 九魚 (9 con cá) phát âm [jiǔ yú] giống như cửu dư 久餘 (dư dật lâu dài), ngụ ý một ước mong được sống khá giả mãi. Điều này cũng giống như người Việt Nam sắp đặt dĩa trái cây chưng tết gồm mãng cầu, dừa xiêm, đu đủ, xoài với ước nguyện khiêm tốn «cầu vừa đủ xài» trong tiết xuân sang; bởi vì người Việt ở Nam Bộ phát âm «dừa» giống như «vừa», «xoài» giống như «xài». (Thật ra mong ước đó không khiêm tốn đâu, bởi vì ở đời biết thế nào mới là đủ). Tất nhiên sự so sánh này chỉ nhắm vào khía cạnh ngôn ngữ, không xét tới hình thức thể hiện.


Sau đây chúng ta thử tìm ra một số hình ảnh biểu tượng trong hội hoạ Trung Quốc. Trước tiên, khi nói đến tranh thuỷ mặc 水墨(thường bị đọc nhầm là thuỷ mạc) thì chúng ta thường liên tưởng ngay đến tranh sơn thủy. Đây là một mảng đề tài đặc sắc trong hội hoạ Trung Quốc. Hai chữ sơn thuỷcó ý nghĩa triết lý thâm trầm của chúng, không chỉ đơn thuần sơn 山 là núi non, thuỷ 水 là sông nước.

Khổng Tử từng nói rằng: «Kẻ trí vui chơi nơi sông nước, kẻ nhân vui chơi nơi núi non. Kẻ trí hiếu động, kẻ nhân trầm tĩnh. Kẻ trí vui vẻ, kẻ nhân trường thọ.» 知(智)者樂水, 仁者樂山, 知(智)者動, 仁者靜, 知(智)者樂, 仁者壽(Trí giả nhạo thuỷ, nhân giả nhạo sơn, trí giả động, nhân giả tĩnh, trí giả lạc, nhân giả thọ.– Luận Ngữ - Ung Dã).

Sông nước trôi chảy, linh động biến dịch không ngừng, tìm về trùng dương mênh mông. Sự trôi chảy không ngừng này tượng trưng bản thể của Đạo. Khổng Tử có lần đứng trên bờ sông, nhìn nước chảy, giác ngộ lý lẽ ấy, nên ngài tán thán: «Ôi, trôi chảy thế này, ngày đêm nó không hề ngừng nghỉ !» 逝者如斯夫不舍晝夜(Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ ! – Luận Ngữ - Tử Hãn).

Do đó, kẻ trí tuệ thấu đạt lý lẽ của sự vật, linh hoạt tiến triển mãi không ngưng trệ, cũng linh động như bản tính của nước. Kẻ nhân ái yên ổn với nghĩa lý mà dày dặn kiên cố vững bền, cũng tĩnh như bản tính của núi. Động và tĩnh nói về bản thể, mà vui vẻ trường thọ là nói về hiệu quả đạt được.


Chủ đề nổi bật thứ hai là hoa điểu 花鳥 (hoa và chim chóc). Về hoa, các văn nhân Trung Quốc thường gán cho từng loại hoa một đức tính, một ý nghĩa tượng trưng văn học nào đó, và các họa sĩ đã tiếp thu toàn bộ những quan niệm này. Chẳng hạn Chu Đôn Di 周惇頤 đời Tống từng nói: «Trong các loài hoa, cúc là kẻ ẩn dật, mẫu đơn là kẻ phú quý và sen là bậc quân tử vậy.» 菊花之隱逸者也牡丹花之富貴者也蓮花之君子者也 (Cúc, hoa chi ẩn dật giả dã; mẫu đơn, hoa chi phú quý giả dã; liên, hoa chi quân tử giả dã).

Quan niệm cúc là kẻ ẩn dật có lẽ phát xuất từ Đào Tiềm 陶潛 tức Đào Uyên Minh 陶淵明 đời Tấn, một thi sĩ vĩ đại, chán cảnh làm quan luồn cúi, treo áo từ quan, hưởng thú điền viên, vui cảnh nghèo, thích uống rượu chơi cúc và nhàn du. Người đời khen ông là bậc ẩn dật cao khiết. Trong bài Ẩm Tửu 飲酒 của ông có nhắc đến hoa cúc: «Hái cúc dưới giậu đông, thơ thới nhìn núi Nam.» 採菊東籬下悠然見南山 (Thái cúc đông ly hạ, du nhiên kiến Nam Sơn). Người ẩn sĩ này uống rượu ngắm cúc để quên cảnh náo nhiệt, trầm luân trong đời, cho nên hoa cúc cũng là biểu tượng của bậc quân tử ẩn dật lánh đời vậy. Đào Tiềm từng thốt rằng: «Hoa cúc mùa thu có sắc đẹp, phơi lộ nét anh tú, khiến ta quên tình buồn, lánh xa tình đời.» 秋菊有佳色裛露掇其英泛此忘憂物遠我遺世情 (Thu cúc hữu giai sắc, ấp lộ xuyết kỳ anh, phiếm thử vong ưu vật, viễn ngã di thế tình).

Người giàu có ưa chuộng màu sắc lộng lẫy rực rỡ của mẫu đơn. Mẫu đơn là loài hoa quý hiếm, chỉ có bậc quyền quý đài các mới chơi hoa này. Cho nên mẫu đơn là biểu tượng của sự giàu sang phú quý.

Hoa sen là cốt cách của bậc quân tử. Đẹp và ngát hương, gần bùn mà chẳng tanh bùn. Dù cuộc đời ô trọc, nhân tình ấm lạnh, bậc quân tử vẫn giữ được tiết tháo của mình, thơm tho và tinh khiết như đóa sen kia.

Tranh của Từ Vị (đời Minh)

Cổ nhân gọi tùng, trúc, mai là ba người bạn mùa lạnh (tuế hàn tam hữu 歲寒三友), bởi vì ba loại cây này dù mùa sương tuyết vẫn tươi tốt trong khi những loại cây khác hầu như cằn cỗi héo hon. Tính chịu lạnh của tùng, trúc, mai tượng trưng đức tính nhẫn nại của người quân tử, tự cường mãi không thôi, luôn trau giồi tài đức trước nghịch cảnh cuộc đời.

Mai, lan, cúc, trúc thường được gộp chung thành một cụm, xem như biểu tượng của bậc quân tử, nên cũng được gọi là «tứ quân tử» 四君子(bốn người quân tử). Mai nở vào mùa đông và xuân, chịu đựng lạnh lẽo. Lan kiều diễm mảnh mai, hương thơm thâm trầm. Trúc ngay thẳng, vô tâm, đầy tiết tháo. Cúc trải sương giá mà chẳng héo hon, có ý chí thách đố thiên nhiên. Hơn hai ngàn năm trước, thi nhân Khuất Nguyên thậm chí còn so sánh hoa lan với mỹ nhân rằng: «Thu lan ơi mườn mượt, cọng tía cùng lá xanh. Đầy nhà toàn người đẹp, riêng với ta đưa tình.» 秋蘭兮清清綠葉兮紫莖滿堂兮美人忽獨與余兮且成 (Thu lan hề thanh thanh, lục diệp hề tử hanh. Mãn đường hề mỹ nhân, hốt độc dữ dư hề thả thành). Hoa cúc trác việt siêu phàm, là biểu tượng của bậc quân tử ở ẩn mà trên đây đã đề cập. Đời Tống có ẩn sĩ Lâm Bô 林逋 yêu hoa mai đến độ không cần có vợ con, chỉ chuyên tâm trồng hoa mai và nuôi hạc. Người đời tặng cho ông câu mai thê hạc tử 梅妻鶴子 (hoa mai là vợ, chim hạc là con). Yêu trúc có thể kể đến Tô Thức. Ông nói: «Thà ăn không có thịt chứ không thể ở thiếu trúc.» 寧可食無肉不可居無竹 (Ninh khả thực vô nhục, bất khả cư vô trúc).


Không chỉ hoa, mà quả cũng mang ý nghĩa biểu tượng nữa. Chẳng hạn quả đào tượng trưng sự trường thọ; thí dụ tranh «Đào hiến thiên xuân» 桃獻千春 (đào dâng nghìn tuổi xuân) vẽ ông lão cầm quả đào. Quả lựu tượng trưng cho sự đông con cái; thí dụ tranh «Lựu khai bách tử» 榴開百子(quả lựu mở sinh trăm con) vẽ ông lão cầm quả lựu bóc dở, cho trông thấy hạt. Quả phật thủ tượng trưng cho phúc; thí dụ tranh vẽ quả phật thủ (phúc) với quả đào (thọ) và quả lựu (đông con) là ngụ ý: đa phúc, đa thọ, đa nam tử. Quả quít tượng trưng sự tốt lành (cát). Ngay trong đời sống hằng ngày người ta cũng thích biếu xén nhau quít.

Hoa thường được vẽ chung với điểu. Chim hạc tượng trưng cho sự trường thọ. Người Trung Quốc tin rằng hạc sống đến ngàn năm (hạc thọ thiên tuế 鶴壽千歲). Hạc thường được vẽ chung với cây tùng (cũng ngụ ý trường thọ), nên tranh «Tùng hạc diên niên» 松鶴延年 (tùng và hạc sống lâu) được dùng để chúc thọ.

Thi nhân cho rằng chim én là loài chim nhỏ có cảm tình, mùa thu và mùa đông bay đi tìm cái ấm áp của miền nhiệt đới và mùa xuân quay về tổ cũ. «Xuân phong yến hỉ» 春風燕喜 (chim yến vui trong gió xuân) mô tả một đôi én về tổ trong cành liễu xanh phất phơ hay cành đào hồng thắm. Một bức tranh với đôi én hoặc một bức tranh với cặp hồng nhạn (vịt trời) hay đôi uyên ương bơi lội trong ao sen chính là biểu tượng tình nghĩa vợ chồng, gia đình khang lạc.

Tranh «Thập toàn báo hỉ» 十全報喜 vẽ mười con chim khách đậu trên phiến đá và trên cây tùng hót líu lo báo tin mừng (chim khách được tin tưởng là báo điềm lành nên tục gọi nó là «hỉ thước» 喜鵲), tranh để chúc sự nghiệp thành công.

Dưới cội mai vàng (biểu tượng của phúc) là đôi chim cun cút hoặc một đàn gà con cùng gà trống gà mái cũng là biểu tượng của ân nghĩa tào khang, quan hệ nhân luân. Tranh phụ đề «ân nghĩa tại sinh tiền» 恩義在生前(ân nghĩa đối với nhau lúc còn sống) thật là cảm động và thâm trầm biết bao! Con gà mái với bầy con tượng trưng cho gia đình đông đúc, đầm ấm.

Con công tượng trưng cho sự bình an thịnh vượng. Chim phượng (thường gọi gộp là phượng hoàng, thực ra phượng 鳳 là con trống, hoàng 凰 là con mái) là linh điểu, tương truyền chim phượng xuất hiện là thánh nhân ra đời. Nhưng chim loan và chim phượng thì tượng trưng duyên nợ vợ chồng. Tranh «loan phượng hoà minh» 鸞鳳和鳴 (chim loan và chim phượng hoà chung tiếng hót) ngụ ý sự hoà thuận êm ấm của vợ chồng.

Một số động vật cũng có ý nghĩa biểu tượng. Rồng (long 龍 ), một con vật huyền thoại, là biểu tượng của vương quyền. Kỳ lân (kỳ 麒 là con đực, lân 麟 là con cái) tượng trưng nhân ái và thái bình. Con rùa (quy龜) cũng là thần vật, tương truyền nó sống tới ngàn năm, nên tượng trưng sự trường thọ.


Ngựa là một chủ đề quen thuộc. Dân gian cho rằng ngựa có đức tính trinh tiết, ý thức rõ quan hệ truyền chủng, không vi phạm cái mà luân lý loài người gọi là loạn luân. Như Dịch Kinh từ đời Chu đã ca ngợi là «Tẫn mã chi trinh» 牝馬之貞 (đức trinh tiết của ngựa cái). Ngựa còn có đức tính trung thành, một đức tính mà Nho gia rất coi trọng trong các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế, ngựa từ thời xa xưa có giá trị rất cao. Trong chiến tranh ở Trung Quốc cổ đại, ngựa giữ vai trò rất quan trọng có thể gọi là nền tảng của sức mạnh quân sự. Các kỵ binh du mục trên lưng các chiến mã thần tốc và dũng mãnh luôn là mối kinh hoàng cho binh quân của Trung Quốc. Trong giao thông vận tải thì ngựa là phương tiện nhanh chóng và hữu hiệu. Từ đời Thương người ta đã biết đánh xe ngựa tới nơi xa xôi để buôn bán. Ngoài giá trị quan trọng của ngựa trong vận tải và quân sự, người ta còn tìm thấy giá trị y học của ngựa, được mô tả trong Bản Thảo Cương Mục(xuất bản 1596) nữa. Cứ xem đời nay mà xét, ngày nay người ta xem những xe hơi hiện đại sang trọng là biểu tượng của giàu có thì ngày xưa ngựa chính là biểu tượng đó. Nói chung, ngựa xuất hiện trong tranh Trung Quốc như là biểu tượng của sự mau chóng và thành đạt. Thí dụ bức tranh có chủ đề phổ biến nhất là «mã đáo thành công» 馬到成功 thể hiện qua một bầy ngựa phi nước đại gió bụi mịt mù. Nguyên ý câu này là «Kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công» 旗開得勝馬到成功 (Cờ phất [làm hiệu thì] chiến thắng, ngựa quay về [báo tin] thành công). Ngày xưa khi xuất binh phải phất cờ hiệu, mà cờ đã phất rồi thì phải chiến thắng; tướng soái khi lấy đầu tướng giặc, chiến mã quay về tất báo tin thành công. Ý nghĩa câu «mã đáo thành công» ngày nay chỉ còn tượng trưng là tốc chiến tốc thắng. Và một bức tranh «mã đáo thành công» làm quà khai trương cho một cửa hiệu chỉ đơn giản tương tự như là «khai trương hồng phát» (mở cửa tiệm thì phát đạt lớn).

SONG THỌ - tranh Tề Bạch Thạch

Có những vật tưởng như bình thường nhưng cũng có ý nghĩa đặc biệt, thí dụ con cóc tía (thiềm thừ 蟾蜍) tượng trưng cho sự giàu có, can đảm, và cái gì quý báu, khó kiếm ra được. Con bướm (hồ điệp 蝴蝶) tượng trưng sự trùng điệp. Con mèo tượng trưng sống lâu. Con cá chép (lý ngư鯉魚, cá hoá long, cá vượt vũ môn) tượng trưng thi đỗ, v.v...

Rồi sự kết hợp nhiều thứ khác nhau cũng có ngụ ý tổng hợp. Thí dụ hoa kết hợp với điểu, thảo trùng, cá, đá (tượng trưng sự vững chắc) và các khí vật khác (thí dụ cái bình hoa, ngụ ý an bình) làm tăng thêm thi ý cho tranh, thường đó là lời chúc nguyện cát tường.

Mẫu đơn phối hợp với cá lội là biểu tượng «Phú quý hữu dư» 富貴有餘 (phú quý dư dật) là lời chúc nguyện tốt đẹp vào ngày đầu năm. Mẫu đơn vẽ chung với khổng tước (chim công) mang tên «Khổng tước khai bình» 孔雀開屏 là tranh chúc mừng khai trương cửa tiệm. Hoa xuân điểm thêm vài cánh bướm, tạo sinh động cho tranh. Bướm ngụ ý là trùng điệp. Tranh mẫu đơn điểm thêm cánh bướm ngụ ý phú quý trùng điệp 富貴重疊. Hoặc trên cánh hoa vẽ con dế, cho ta hình dung tiếng thu đang về rồi với tiếng nhạc để râm ran đâu đây.

Như trên đã nói, thông qua ngôn ngữ (nhất là từ ngữ đồng âm hay cận âm) người ta sẽ liên tưởng hình vẽ này đến một sự vật nào đó với ý nghĩa biểu tượng nhất định trong tâm thức chung của mọi người.


- Bông hoa, chữ Hán là hoa 花 phát âm [huā] gần giống chữ hoa 華 (vinh hoa) [huá].

- Hoa sen, chữ Hán là liên 蓮 phát âm [lián] giống như chữliên 連 (liên tục) [lián]; hoặc chữ Hán là hà 荷 phát âm [hé] giống như chữ hoà 和 (hoà hợp) [hé].

- Quả thị hay cành thị, chữ Hán là thị 柿 phát âm [shì] giống như chữ sự 事 (sự việc) [shì].

- Quả lựu, chữ Hán là lựu 榴 phát âm [liú] giống như chữlưu 流 (trôi chảy, lưu truyền) [liú].

- Cây phong, chữ Hán là phong 楓 phát âm [fēng] giống như chữ phong 封 (ban phong) [fēng].

- Cây ngô đồng, chữ Hán là đồng 桐 phát âm [tóng] giống như chữ đồng 同 (cùng với) [tóng].

- Cành mai, chữ Hán là mai 梅 phát âm [méi] gần giống chữmỗi 每 (mỗi thứ, mỗi người) [měi].

- Cành trúc, chữ Hán là trúc 竹 phát âm [zhú] gần giống chữchúc 祝 (chúc tụng) [zhù].

- Con gà, chữ Hán là kê 雞 phát âm [ji] gần như chữ cát 吉(tốt lành) [jí].

- Con cá, chữ Hán là ngư 魚 phát âm [yú] giống như chữ dư餘 (dư thừa, dư dật) [yú].

- Con dơi, chữ Hán là bức 蝠 phát âm [fú] giống như chữphúc 福 (hạnh phúc) [fú]. Vẽ 5 con dơi tức là ngũ bức 五蝠 ,phát âm [wǔ fú] giống như ngũ phúc 五福 . Con dơi vẽ lộn ngược tức là đảo bức 倒 蝠 , phát âm [dào fú] giống nhưđáo phúc 到福 (phúc đến).


- Con mèo, chữ Hán là miêu 猫 phát âm [máo] gần giống chữ mạo 耄 (già 80 tuổi) [mào].

- Con bướm, chữ Hán là điệp 蝶 phát âm [dié] giống như chữ điệt 耋 (già 70 tuổi) [dié] và chữ điệp 疊 (trùng điệp) [dié].

- Con hươu, con nai, chữ Hán là lộc 鹿 phát âm [lù] giống như chữ lộc 禄 (bổng lộc) [lù].

- Con vượn, con khỉ, chữ Hán là hầu 猴 phát âm [hóu] giống như chữ hầu 侯 (tước hầu) [hóu].

- Cái quạt, chữ Hán là phiến 扇 phát âm [shàn] giống như chữ thiện 善 (tốt lành) [shàn].

- Ống sáo, chữ Hán là sinh 笙 phát âm [shēng] giống như chữ sinh 生 (sinh nở) [shēng] và chữ thăng 升(bay lên) [sheng].

- Cái lục bình, chữ Hán là bình 瓶 phát âm [píng] giống như chữ bình 平 (bình an) [píng].

- Cái mũ, cái mão, chữ Hán là quan 冠 phát âm [guān] giống như chữ quan 官 (ông quan) [guan].

- Ngọc như ý đúng ý nghĩa là như ý 如意 [rú yì].

- Số 9, chữ Hán là cửu 九 phát âm [jiǔ] giống như chữ cửu 久 (lâu dài) [jiǔ].

- v.v...


Phối hợp nhiều thứ với nhau, tranh vẽ mang ý nghĩa biểu tượng tổng hợp. Thí dụ như:

1. Tranh vẽ quả đào với 5 con dơi ngụ ý Ngũ Phúc Lâm Môn 五福臨門. Ngũ Phúc là: phú 富(giàu), thọ 壽 (sống lâu), khang ninh 康寧 (khỏe mạnh), du hiếu đức 攸好德 (yêu nhân đức), khảo chung mệnh 考終命 (chết êm ái).

2. Tranh vẽ quả phật thủ với con bướm ngụ ý sống lâu đến 70-80 tuổi, vì quả phật thủ tượng trưng cho thọ hay phúc, con bướm (điệp) ngụ ý già 70 tuổi (điệt 耋 ) hay trùng điệp (điệp 疊), tức là phúc thọ trùng điệp 福壽重疊.

3. Tranh vẽ quả phật thủ (phúc) với quả đào (thọ) và quả lựu (đông con) ngụ ý tam đa 三多: đa phúc 多福 (nhiều phúc), đa thọ 多壽 (rất thọ), đa nam tử 多男子(nhiều con trai).

4. Tranh vẽ quả phật thủ, quả đào, quả lựu với 9 miếng ngọc như ý ngụ ý «tam đa cửu như» 三多九如 nghĩa là chúc cho phúc thọ, con cháu đầy đàn, bền vững.

5. Tranh vẽ quả lựu đã bóc vỏ một phần để lộ hạt ra ngụ ý «lựu khai bách tử» 榴開百子 (lựu mở ra sinh trăm con).

6. Tranh vẽ quả lựu với 5 cậu bé con ngụ ý mong cho con cái sau này đều hiển đạt như 5 con của ông Đậu Yên Sơn đời Tống.

7. Tranh vẽ quả lựu 榴 (ngụ ý lưu truyền 流) với cái mũ 冠 (ngụ ý tước quan 官), cái đai lưng (đái 帶), cái thuyền (thuyền 船 , đọc giống truyền 傳 ) ngụ ý mong cho «Quan đái truyền lưu»官帶傳流 (đai lưng của quan được lưu truyền, tức là được phong quan tước nhiều thế hệ trong gia tộc).


8. Tranh vẽ hai quả thị (ngụ ý sự việc) với ngọc như ý là mong «Sự sự như ý» 事事如意 (vạn sự như ý).

9. Tranh vẽ cây ngô đồng 桐 (đồng âm vớiđồng 同 : cùng với) với con hươu (lộc 鹿 , đồng âm với lộc 禄: bổng lộc) và chim hạc 鶴(trường thọ) là ngụ ý «Lộc thọ đồng lộc hạc»禄壽同鹿鶴 (được bổng lộc và sống lâu như hươu, hạc).

10. Tranh vẽ chim hỉ thước 喜鵲 (vui vẻ) đậu cây ngô đồng 桐 (đồng âm với đồng 同 : cùng với) là ngụ ý «đồng hỉ» 同喜 (mọi người cùng vui vẻ).

11. Tranh vẽ đứa trẻ cỡi trên lưng con kỳ lân tay cầm bông sen (liên 蓮 ) và ống sáo (sinh 笙) là ngụ ý «Liên sinh quý tử» 連生貴子 (liên tiếp sinh quý tử).

12. Tranh vẽ 4 đứa trẻ: đứa cầm cành táo (tảo 棗 , đồng âm với tảo 早: sớm), đứa cầm ống sáo (sinh 笙 ),đứa cầm cái ấn quan văn, đứa cầm cái kích quan võ là ngụ ý mong: sớm sinh con cái sau này thành quan văn hay quan võ.

13. Tranh vẽ đứa trẻ ăn mặc sang trọng (phú 富), cổ đeo cái khánh 罄 (đồng âm với khánh 慶, hiểu là may mắn hạnh phúc) đang ngắm bầy cá vàng (ngư 魚, hiểu là dư thừa) là ngụ ý mong: giàu có, đông con, hạnh phúc có thừa.

14. Tranh vẽ chim hỉ thước 喜鵲 đậu cành mai 梅 (đồng âm với mỗi 每 : mọi người) cành trúc 竹 (đồng âm với chúc 祝: chúc mừng) là ngụ ý mong cho mọi người đều vui vẻ.

15. Tranh vẽ trúc mai 竹梅 ngụ ý mọi người may mắn.

16. Tranh vẽ mai, trúc với con mèo và con bướm là ngụ ý mong mọi người sống lâu đến 70-80 tuổi.


17. Tranh vẽ mẫu đơn 牡丹 (phú quý) với con gà (kê 雞đồng âm với cát 吉: tốt lành) ngụ ý «phú quý cát tường» 富貴吉祥.

18. Tranh vẽ con khỉ (hầu 猴) trèo cây phong (phong 楓) có cái ấn 印 cột vào cành cây ngụ ý «ấn phong hầu» 印封侯, tức là được thăng quan tiến chức nói chung.

v.v...

Trên đây là một số minh hoạ tiêu biểu. Tóm lại, ý nghĩa biểu tượng của loại tranh này cho thấy ba chủ ý của tác giả: 1- gởi gấm ý chí; 2- ước nguyện mọi tốt lành cho bản thân; 3- và cầu chúc hạnh phúc cho người khác. Với chủ ý thứ ba, các bức tranh này thường được người ta làm quà tặng nhau vào những dịp mừng thọ hay những dịp đặc biệt như ngày đầu năm, mà những lời chúc nguyện rồi sẽ như chồi non lộc mới nảy nở thành những đoá hoa rực rỡ tươi thắm trong tiết xuân sang.●

Tranh thủy mặc (1)

Những bài viết và hình ảnh trích đăng sau đây chỉ với tinh thần học hỏi. Xin các bậc Thầy niệm tình bỏ qua. Trân trọng cám ơn!


Nguồn gốc và tiến trình của hội hoạ Trung Quốc
Tác giả : Lê Anh Minh

Tranh Thẩm Chu (đời Minh)

Tranh chân dung đời Tống

Hội họa và viết chữ (thư pháp) có nguồn gốc gần gũi nhau đến nỗi khó mà tách chúng ra được. Trong số những mảnh xương trinh bốc 貞卜 (cũng gọi là giáp cốt 甲骨) thuộc đời Thương (khoảng 1766-1122 tcn) có một mai rùa mà trên đó ghi chép chu kỳ ngày tháng bói toán và vẽ hình một con voi lớn với một con voi nhỏ hơn nằm trong bụng voi lớn, tượng trưng cho sự cưu mang. Điều này cho thấy hội họa và viết chữ đã xuất hiện từ thời cổ xưa. Đồng thời nó cũng chứng minh mối quan hệ mật thiết từ thuở đầu của hội họa và viết chữ. Do đó rất nhiều người đã đề ra thuyết «Thư hoạ đồng nguyên» 書畫同源 (thư pháp và hội hoạ có chung một nguồn) trong lịch sử mỹ thuật Trung Quốc.

Tư liệu cổ nhất ghi chép về hội họa có lẽ là Thư Kinh 書經, trong đó phần Thương Thư (sách chép về đời Thương) có đề cập việc vua Vũ Đinh (tức Cao Tông, 1324-1266 tcn) nằm mộng thấy Thượng Đế ban cho một vị tài đức giúp nước. Sau đó vua hạ lệnh cho thợ họa lại chân dung người mà ngài mộng thấy, rồi dùng bức chân dung đó mà tìm kiếm vị hiền tài ấy. Cuối cùng vua tìm được ông Phó Duyệt, cùng đàm đạo tương đắc, vua bèn phong cho ông Duyệt làm tể tướng. Thiên Duyệt Mệnh thượngcủa Thương Thư chép: «Mộng Đế lại dư lương bật, kỳ đại dư ngôn. Nãi thẩm quyết tượng, tỉ dĩ hình bàng cầu vu thiên hạ. Duyệt trúc Phó Nham chi dã, duy tiếu, Viên lập tác tướng.» 夢帝賚予良弼其代予言乃審厥象俾以形旁求于天下說築傅岩之野惟肖爰立作相("Ta chiêm bao thấy Thượng Đế cho ta một bậc hiền lương giúp đỡ, người ấy thay ta mà phát ngôn!" Vua bèn sai vẽ đúng hình người trong mộng để tìm khắp thiên hạ. Ông Duyệt ở cánh đồng Phó Nham là người duy nhất giống hệt [tranh vẽ]. Vua bèn cất ông Duyệt làm Tể tướng.) Giai đoạn này xảy ra cách nay ít nhất 3000 năm, có thể gọi là cái mốc cho hội họa Trung Quốc.

Tranh của Đường Dần (đời Minh)

Vào đời Chu (1122-211), nơi Minh Đường – nơi cử hành đại lễ của đế vương và chư hầu thời cổ đại – có treo tranh chân dung của Nghiêu, Thuấn, Kiệt, Trụ. Mỗi vua với vẻ mặt thánh thiện hoặc hung ác, tượng trưng đầy cảnh giác về sự hưng vong của triều đại. Rõ ràng qua những bức chân dung này người xem có thể rút ra bài học về nhân nghĩa và phép trị nước.

Một bức tranh lụa được các nhà khảo cổ khai quật tại Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam mà họ xác định vào thời Chiến Quốc (481-221), miêu tả một nữ nhân được rồng phượng vây quanh. Bởi bức tranh được tìm thấy trong ngôi mộ nên người ta cho rằng nó phục vụ cho mục đích tôn giáo.

Ngoài ra còn có những bức chân dung các vị chính khách tại Kỳ Lân Các (nơi trưng bày tranh vẽ các bậc công thần nhà Hán, 206 tcn-220 cn) và 28 bức chân dung công thần tại Vân Đài (đài cao vút tận mây) thời Hán Minh Đế (58-76) để truy niệm 28 tiên hiền. Tiếc thay các bức tranh này cũng như công trình kiến trúc đã bị hủy hoại theo thời gian. Một số tranh chân dung đời Hán hiện trưng bày ở Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Boston.

Hẳn chúng ta còn nhớ giai thoại về Hán Nguyên Đế (48-33) và nàng Vương Chiêu Quân. Tương truyền vua có lắm cung phi đến nỗi không biết hết mặt họ. Vua bèn giao Mao Diên Thọ họa lại chân dung các nàng. Các cung phi mỹ nữ đưa nhau hối lộ Mao để được họa thật đẹp. Chỉ có một người thì không, đó là nàng cung nữ đẹp nhất bọn tên Vương Chiêu Quân. Chỉ vì căn cứ theo tấm họa xấu xí về nàng mà sau này vua ra lệnh đem nàng ban cho một thủ lĩnh rợ Hồ. Ngay lúc nàng Vương rời khỏi cung điện để tiến cống rợ Hồ, vua trông thấy mặt nàng thì bàng hoàng hoảng hốt và tự trách mình quá sơ suất. Nhưng lệnh thi hành rồi rút lại không kịp nữa. Mao Diên Thọ bị trừng phạt đến chết – có lẽ vì dám để sổng mất «quốc bảo» của vua hơn là vì tội nhận hối lộ. Còn nàng Vương một ít lâu sau cũng qua đời nơi thảo nguyên vì quá xót thân tủi phận. Câu chuyện lâm li này ít ra cũng cho thấy trình độ họa chân dung thời đó cũng là khá cao. Hiện nay tại British Museum có bức «Huấn luyện tài nhân» (dạy các cô gái biết ca múa để đưa vào cung) của Cố Khải Chi, đời Tấn. Đây là bức tranh về nhân vật tiêu biểu. Một số người cho rằng đây không phải là chân bút họ Cố, nếu sao chép được như vậy cũng là quá trung thực rồi. Bức tranh này cho thấy sự thành tựu của loại tranh nhân vật vào thế kỷ IV cn.

Một ngôi thạch mộ đang trưng bày tại Nelson Gallery, Kansas city, được xác định vào thời Lục Triều (525 cn) có chạm nổi các gương hiếu tử như Thái Thuận, Đồng Vinh, bên hông mộ có hình núi non cây cối dùng trang trí. Đây cũng có lẽ là đầu mối của lối vẽ phong cảnh về sau.

Tranh đời Tùy (581-618) đa số mang chủ đề Phật giáo phản ảnh tinh thần sùng thượng tôn giáo. Vào đời Đường (618-907) nổi tiếng nhất là Ngô Đạo Tử và các môn đệ của ông. Mặc dù ngày nay người ta không còn tác phẩm nào của Ngô Đạo Tử, nhưng các bức tranh khai quật ở lăng mộ Vinh Thái Công Chủ cũng biểu lộ sự thành tựu tốt đẹp về tranh nhân vật đời Đường. Tương truyền vào đầu nhà Đường, Ngô Đạo Tử và Lý Tư Huấn mỗi người một bức sơn thủy trên vách Đại Đồng Điện. Tuy bút pháp hai nhà khác nhau nhưng cả hai tác phẩm đều được tán dương là thần bút. Điều này cho thấy sự tiến triển về tranh phong cảnh từ đời Lục Triều cho tới đời Đường.

Theo lời nhà phê bình nghệ thuật Trương Ngạn Viễn (đời Đường) thì trước đời Đường tranh nhân vật rất quan trọng vì mục đích thực tiễn đến chính trị và tôn giáo của nó. Tranh họa nhằm giáo hóa và đề cao nhân luân nữa. Tiếc thay phần lớn tranh này không còn nữa. Những tranh mà các nhà khảo cổ khai quật được dù sao cũng cho ta nét đại cương về hội họa thuở ấy.

Tranh Ngô Xương Thạc (cận đại)

Tranh hoa điểu nổi bật sau tranh phong cảnh. Bắt đầu là Biên Loan (đời Đường) tiếp theo là Từ Hi và Hoàng Thuyên (Thời Ngũ Đại). Tranh hoa điểu thịnh đạt nhất vào thế kỷ X và XI. Nói đến sự thịnh đạt của tranh hoa điểu và sơn thủy không thể không đề cập tới hội họa thời Ngũ Đại (907-960) và đời Bắc Tống Nam Tống (960-1279). Thời này phổ biến loại tranh cuộn (tức thủ quyển 手卷 : handscrolls và hanging scrolls) hơn là bích họa 壁畫 (wall paintings) vì dễ bảo quản hơn. Thời Ngũ Đại và đời Bắc Tống là thời vàng son của tranh sơn thủy Trung Quốc. Các tay cự phách Thời Ngũ Đại có Kinh Hạo, Quan Đồng, Đổng Nguyên, Cự Nhiên và đời Bắc Tống có Lý Công Lân, Quách Hi, Phạm Khoan, và Mễ Phế. Đời Bắc Tống chuyên về sơn thủy là Yến Văn Quý, Hứa Đạo Ninh, còn chuyên về hoa điểu có Hoàng Cư Thái, Thôi Bạch, nhất là vua Tống Huy Tông tức Triệu Cát (1101-1125).

Từ đời Bắc Tống đến Nam Tống tranh hoa điểu và nhân vật đã xuống dốc nhưng tranh sơn thủy thì cực thịnh. Nối liền hai giai đoạn này là Lý Đường, một thủ lĩnh họa phái Nam Tống. Môn đệ của họ Lý nổi tiếng nhất là «Tứ đại họa gia» gồm có Lưu Tùng Niên, Lý Tung, Mã Viễn, Hạ Khuê. Nổi tiếng về mặc trúc có Văn Đồng, Tô Thức, về mặc mai có Thôi Bạch, về mặc lan có Trịnh Tư Hữu, Triệu Mạnh Kiên, về mặc cúc có Triệu Xương, Khâu Khánh Dư, Hoàng Cư Bảo. Đời Nam Tống, Mã Lân nổi tiếng về hoa điểu không kém gì bố là Mã Viễn. Đặc biệt thời này có Lương Khải và Mục Khê nổi tiếng về tranh Thiền. Họa pháp của hai ông ảnh hưởng rất nhiều đến hội họa Nhật Bản. Chính vào đời Nam Tống (thế kỷ XII) Thiền từ Trung Quốc du nhập vào Nhật và tư tưởng Thiền cũng từ đó mà bàng bạc khắp nền hội họa Nhật.

Tranh Ngô Xương Thạc (cận đại)

Từ Nam Tống đến đời Nguyên (1279-1368) có các đại họa gia như Triệu Mạnh Phủ, Cao Khắc Cung. Tranh họ Cao phảng phất bút pháp hai bố con Mễ Phế và Mễ Hữu Nhân.

Đời Nguyên các tranh sơn thủy thường làmặc họa 墨畫 (tranh vẽ toàn bằng mực đen). «Tứ đại họa gia đời Nguyên» có Hoàng Công Vọng (thủ lĩnh), Ngô Trần, Nghê Tán và Vương Mông. Ngoài ra còn có các cao thủ khác như Cao Phòng Sơn, Lý Tức Trai, Kha Cửu Tư, Nghê Vân Lâm, Ngô Trọng Khuê, Cố Định Chi, Quản Trọng Cơ, Phương Nhai. Đặc biệt, Lý Tức Trai nổi tiếng về mặc trúc và bí kíp «Trúc Phổ Tường Lục» nghiên cứu đời sống sinh thái cây trúc và họa pháp cây trúc, vẫn còn truyền tụng đến nay. Kha Cửu Tư cũng biên soạn quyển «Họa Trúc Phổ» nghiên cứu họa pháp cây trúc đời Tống. Như vậy kể từ đời Tống, Nguyên tới Minh các danh thủ về Trúc có Văn Đồng, Tô Thức, Lý Tức Trai, Phương Nhai, Kha Cửu Tư, Vương Phất, và Hạ Xưởng. Vương Phất là khuôn mặt buổi giao thời Nguyên Minh. Trường hợp ông giống với Lý Đường (giữa Bắc Tống - Nam Tống) và Triệu Mạnh Phủ (giữa Nam Tống - Nguyên). Địa vị Vương Phất rất quan trọng. Môn đệ của ông nhờ đó mà đạt mức tinh thâm như Thẩm Chu và Văn Trưng Minh nổi tiếng về sơn thủy, Hạ Xưởng nổi tiếng về mặt trúc. Hạ Xưởng danh tiếng lẫy lừng: «Hạ hương nhất cá trúc, Tây Lương thập đình kim» (Một cành trúc quê ông Hạ trị giá mười nén vàng ở Tây Lương.) Ngoài ra còn có Vương Miện và Trần Hiến Chương nổi tiếng về mặc mai. Do đó mà người ta truyền nhau câu: «Vương mai, Hạ trúc.» (mai của Vương Miện vẽ, trúc của Hạ Xưởng vẽ).

Tranh gà của Từ Bi Hồng (1895-1953)

Đời Minh có «Tứ đại họa gia» là Thẩm Chu, Văn Trưng Minh, Cừu Anh và Đường Dần. Thẩm Chu là thủ lĩnh họa phái Ngô Phái, địa vị rất quan trọng. Văn Trưng Minh và những người trong phái chịu ảnh hưởng họ Thẩm rất nhiều. Cừu Anh và Đường Dần nổi tiếng về tranh nhân vật và sơn thủy. Ngoài Ngô Phái ra còn có Tống Khắc, Lỗ Đắc Chi, Đái Tiến. Đái Tiến là thủ lĩnh họa phái Chiết Phái (cùng quê ở Chiết Giang). Họ Đái chịu ảnh hưởng Mã Viễn và Hạ Khuê. Trong Chiết Phái còn có Mã Thức cũng là tay cự phách. Vào đời Minh, Biên Cảnh Chiêu trên nổi tiếng về hoa điểu, ông chịu ảnh hưởng họa pháp đời Tống. Giữa đời Minh họa pháp hoa điểu tách riêng hai hướng: một lối vẽ đa sắc tỉ mỉ tinh tế và một lối vẽ đơn sắc mạnh bạo. Tiêu biểu cho hai lối vẽ này là Lâm Lương và Lã Ký. Nổi tiếng về tranh nhân vật có Ngô Vĩ và Quách Hủ. Cuối đời Minh có Trần Hồng Thụ chủ trương tránh sự dung tục trong tranh mà phải quay về với sự đơn sơ thuở xưa. Cho nên tranh ông tao nhã khác thường. Ngoài ra còn có Đổng Kỳ Xương chủ trương thi họa tương hợp, rất được nhiều người tán thưởng. Cũng vào cuối đời Minh, Từ Vị rất nổi tiếng với bút pháp độc đáo dị kỳ, ảnh hưởng rất nhiều đến hai danh thủ sau này là Thạch Đào và Bát Đại Sơn Nhân.


Khuynh hướng chung hội họa đời Thanh (1644-1912) là khôi phục những họa pháp các đời trước. Nổi tiếng có Ngô Lịch, Uấn Thọ Bình và nhóm «Tứ Vương» gồm Vương Thời Mẫn, Vương Giám, Vương Nguyên Kỳ, Vương Huy. Vương Huy nổi tiếng nhất nhóm. Ngô Lịch chịu ảnh hưởng họa pháp đời Tống-Nguyên, Uấn Thọ Bình nổi tiếng ngang với Vương Huy về tranh sơn thủy. Bát Đại Sơn Nhân là khuôn mặt độc đáo về nhân cách cũng như họa pháp. Ông và Thạch Đào có thể đứng riêng thành một tân họa phái. Đời Thanh còn có Trịnh Tiếp (lan trúc), và Lý Phương Ưng, Kim Nông, Uông Sĩ Thận (mặc mai).

Họa gia cận đại có Triệu Huy Thúc, Ngô Xương Thạc, Tề Bạch Thạch, Từ Bi Hồng, Trần Sư Tăng, Lâm Cầm Nam, Mai Lan Phương...

Trên đây là đôi nét về nguồn gốc và tiến trình của hội họa Trung Quốc. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều cộng đồng người Hoa ngoài Hoa lục, Đài Loan, và Hương Cảng. Con đường nghệ thuật truyền thống này đã đến chỗ phân kỳ mà mỗi ngã rẽ đều rất đa dạng phong phú, do bối cảnh xã hội chính trị văn hóa khác nhau và nhất là do đời sống vật chất càng ngày càng văn minh hơn. Vì thế có thể quan niệm thưởng ngoạn cũng có ít nhiều dị biệt. Các họa gia hoặc là duy trì phong cách cổ điển, hoặc là cách tân nó do ảnh hưởng lối họa Tây phương. Cho nên hiện tại và tương lai của môn quốc họa này hết sức thú vị và hứa hẹn nhiều bất ngờ mà ta khó có thể luận bàn được. ●

Tranh Thủy mặc - Chinese ink paintings

Tranh thủy mặc


Tranh thủy mặc hay tranh thủy mạc, là một loại hình hội họa khởi nguồn từ Trung Quốc.Thủy (水) là nước. Mặc (墨) là mực. Tranh thủy mặc được vẽ bằng mực nước, hay còn gọi là mực tàu trên giấy hoặc lụa. Tranh thủy mặc là loại hình phát triển cùng với nghệ thuật thư pháp Trung Hoa. Các chủ đề chính trong tranh thường là cây cối, hoa, phong cảnh, chim thú, người... và thường kèm theo thơ chữ

Tranh Thủy mặc ở Việt Nam


Khởi thủy dòng tranh thủy mặc: Lĩnh Nam tam kiệt

- Các họa sĩ nổi tiếng về tranh thủy mặc (mực nước) hiện đại ở nước ta hiện nay như Trương Hán Minh, Lư Tòng Đạo, Lý Tùng Niên, Trương Lộ, Lý Khắc Nhu, Mạc Ái Hoàn... đều chịu ảnh hưởng của trường phái Lĩnh Nam.

Họa phái nổi danh

Lĩnh Nam họa phái thuộc về phái cách tân trong hội họa truyền thống Trung Hoa, hình thành ở Quảng Đông vào cuối đời Thanh, người sáng lập chính thức là "nhị Cao nhất Trần", tức Cao Kiếm Phụ, Cao Kỳ Phong và Trần Thụ Nhân.

Nhưng truy ngược lên nữa có thể kể đến Cư Liêm và Cư Sào - các bậc thầy về tranh hoa điểu, sư phụ của "nhị Cao nhất Trần". Cao Kiếm Phụ, Cao Kỳ Phong và Trần Thụ Nhân sau khi thụ giáo Cư Liêm, đều xuất dương sang Nhật học hội họa Nhật Bản và Tây phương, tham gia Đồng minh hội.



Cả ba chủ trương "Chiết trung, Trung ngoại, dung hợp cổ kim", lấy "đổi mới" làm tôn chỉ, dung hợp tinh hoa của hội họa truyền thống Trung Hoa, Nhật Bản và trường phái Ấn tượng phương Tây.


Tác phẩm của họa phái này không dừng lại ở việc mô phỏng cổ nhân mà mang hơi thở thời đại, màu sắc diễm lệ, đạt đến hiệu quả "quang ảnh" trong hội họa phương Tây.

Cần nhấn mạnh rằng cụm từ "Lĩnh Nam họa phái" hoàn toàn không phải do các họa sĩ ở Lĩnh Nam tự phong.


Đương thời, phong cách cách tân độc đáo trong các tác phẩm thủy mặc của Cao Kiếm Phụ, Cao Kỳ Phong và Trần Thụ Nhân nổi bật trên họa đàn, người ta xưng là "Lĩnh Nam tam kiệt", dần dần sau đó hình thành cụm từ "Lĩnh Nam họa phái".


Các họa sĩ Cao, Trần đều không vừa lòng với tên gọi ấy vì nó mang tính khu vực nhỏ hẹp. Những tác phẩm tiêu biểu của 3 sư tổ này có thể kể như "Tùng phong thủy nguyệt đồ", "Tùng hạc trục đồ"...



"Trăm hoa đua nở" - bức tranh thủy mặc lớn nhất Việt Nam.


Những năm đầu thế kỷ XX, trên họa đàn Trung Hoa, Lĩnh Nam đã sánh ngang với hai họa phái nổi tiếng tiêu biểu khác là Kinh phái (Bắc Kinh) và Hỗ phái (Thượng Hải).

Năm 1924, Cao Kiếm Phụ lập Họa viện Xuân Thụy ở Quảng Châu, giảng dạy ở các trường Đại học Trung Sơn, Đại học Trung ương Nam Kinh.

Năm 1964, ông lập Viện Mỹ thuật Nam Trung, đồng thời làm hiệu trưởng trường Nghệ thuật Quảng Châu.

Còn Cao Kiếm Phong lập Thiên Phong Lâu ở Quảng Đông năm 1929, môn đồ nổi tiếng có 7 người gọi là "Thiên Phong thất tử", nổi bật nhất có Hoàng Thiếu Cường. Môn đồ của Trần Thụ Nhân có Lưu Xuân Thảo.

Truyền bá sang Việt Nam

Thế hệ thứ hai của Lĩnh Nam họa phái bắt đầu tung hoành trên họa đàn từ những năm 30 của thế kỷ trước. Tiêu biểu nhất có "Lĩnh Nam tứ đại họa gia" gồm 4 họa sĩ: Triệu Thiếu Ngang, Quan Sơn Nguyệt, Lê Hùng Tài và Lý Thiện Thâm.

Trên cơ sở sẵn có, các họa sĩ thế hệ này phát triển tinh thần cách tân về ý thức thẩm mỹ lẫn phong cách nghệ thuật với quan niệm "Bút mực theo thời đại", "Xưa để nay dùng".



Triệu Thiếu Ngang chính là thầy của Lương Thiếu Hằng - người sáng lập Đông Phương nghệ uyển ở Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1960, đào tạo ra các họa sĩ nổi danh ngày nay ở TP.HCM. Họa đàn Sài Gòn - Chợ Lớn phát triển mạnh vào những năm 60, 70 thế kỷ trước.

Năm 1970, trong một cuộc triển lãm gây quỹ mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sùng Chính (nay là Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình) đã có đến 113 họa sĩ tham dự, cùng với 30 họa sĩ đến từ Hồng Kông và 64 họa sĩ đến từ Đài Loan.

Cuộc triển lãm có một không hai này tề tựu đầy đủ bốn phái ở Chợ Lớn (Lĩnh Nam Lương Thiếu Hằng; Kinh phái Đới Ngoạn Quân, Tả Bạch Đào; Hỗ phái Hà Lãng Hùng; Tây họa Sài Đinh).

Tranh Thủy mặc Hiện đại

   


                     


               


                                      




Tranh chọn lọc - Selection

Phong cảnh - Landscape


           






           


                 


   


               


       




  


                           





Trúc - Bamboo


           


  


  


                           

      


Lan - Orchird

  


             


   


    




Hoa sen - Lotus


  


       


       


         


    


Khỏa thân - Nude










         


         


          


Nude Chinese Oil Paintings