Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Luận về Hội họa Việt - (2)

Hội họa Việt Nam thời chiến tranh và hậu quả

trinhcung artist


(Bản tóm lược tham luận tại Hội thảo Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Singapore, 5-2008)
Tác giả : Họa sĩ TRỊNH CUNG


Bùi Xuân Phái, Chiến tranh (bột màu), 1970


I. Hội hoạ Việt Nam thời chiến tranh 1954-1975

1. Miền Bắc từ 1954-1975

Mặt trận Việt minh sau khi tiến hành thành công Cách mạng Mùa thu (1945) đã cho ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tiến hành chiến tranh chống thực dân Pháp cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ 1954. Sau sự kiện lịch sử này, đất nước chia đôi: miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra thuộc chế độ Cộng sản, miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào theo chế độ Cộng hoà. Nền mỹ thuật non trẻ của Việt Nam cũng bị chia đôi. Những lớp hoạ sĩ tài năng đầu tiên do trường Mỹ thuật Đông dương đào tạo từ năm 1925 đến 1945 chia ra làm ba nhóm: nhóm chiếm số đông ở lại miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Sĩ Ngọc, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên…; một số ít ra nước ngoài như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Vũ Lăng, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ…;và phần còn lại di cư vào Nam hoặc từ nước ngoài trở về miền Nam như Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Tạ Tỵ, Lưu Đình Khải, Lê Yên, Tôn Thất Đào, Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Siên, Trần Dụ Hồng…




Dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa, mỹ thuật miền Bắc không được phát triển theo xu hướng ảnh hưởng mỹ thuật Tây Âu như những năm trước 1945. Đường lối Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa được áp dụng triệt để nhằm phục vụ công cuộc xây dựng một miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa và cổ vũ cho cuộc chiến tranh lật đổ chế độ Sài Gòn do Hoa Kỳ hậu thuẫn. Trong suốt thời gian từ 1954 đến 1975, mỹ thuật miền Bắc chỉ bao gồm hai loại chính: tranh cổ động; và tranh ngợi ca Đảng, lãnh tụ, cổ xuý đấu tranh giai cấp. Khuynh hướng nghệ thuật này chịu ảnh hưởng sâu đậm mỹ thuật các nước cộng sản đàn anh là Liên Xô và Trung Quốc. Tất cả nghệ sĩ đều chịu sự quản lý cực kỳ chặt chẽ của Đảng, vì thế thông tin về mỹ thuật phương Tây đương thời gần như không xuất hiện, dù dưới bất cứ hình thức nào. Thái Bá Vân (đã mất) – nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật nổi tiếng một thời của Hà Nội – từng bị một cán bộ trưởng đoàn du học sinh tịch thu cuốn sách về danh họa Picasso khi ông đang trên chuyến tàu hỏa từ Tiệp Khắc về Việt Nam. Miền Bắc ngăn chặn triệt để tất cả thông tin từ bên ngoài nhằm giữ cho nền mỹ thuật của họ đi đúng đường lối của Đảng.

Sự trừng phạt nặng nề cho những ai dính đến vụ “Nhân văn Giai phẩm” năm 1956 đã bóp chết tất cả những ý tưởng muốn bày tỏ yêu cầu tự do sáng tạo. Những ai còn giữ tâm hồn nghệ sĩ và tình yêu nghệ thuật đích thực đều chịu một cuộc sống ngoài lề. Họa sĩ Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm và một số văn nghệ sĩ ít ỏi khác đã phải sống như những cái bóng thừa.


Nguyễn Gia Trí, Thiếu nữ (chi tiết-sơn mài), 1944

2. Miền Nam từ 1954 đến 1975

Sau hiệp định Genève 1954, miền Nam theo chế độ chính trị tam quyền: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Dân chủ và tự do được tôn trọng,vì thế các hoạt động văn hoá nghệ thuật phát triển thuận lợi. Báo chí, nhà xuất bản, phòng trưng bày tranh, các salon văn nghệ, điện ảnh, kịch nghệ được tự do hoạt động và được nhà nước khuyến khích bằng những giải thưởng giá trị. Từ 1954 đến 1963 (nền Đệ nhất Cộng hòa do tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo) là giai đoạn huy hoàng của văn nghệ miền Nam. Chỉ trong chín năm, từ 1954 đến 1963, riêng lãnh vực mỹ thuật, miền Nam đã có hai trường Cao đẳng Mỹ thuật hoàn chỉnh (một cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận, một cho Huế và khu vực miền Trung),một giải thưởng mỹ thuật cấp quốc gia hằng năm mang tên Hội họa Mùa xuân, và một triển lãm Mỹ thuật Quốc tế có tầm cỡ (1962). Ngoài ra, các hoạ sĩ miền Nam còn có nhiều cơ hội tham gia những triển lãm quốc tế lớn như các Biennale ở Paris, Venise, São Paulo, Tunis, và được tự do lập hội. Sài Gòn trước khi có Hội Họa sĩ Trẻ năm 1966 đã có Nghiệp đoàn Hội họa, một hội nghề nghiệp dành cho tất cả những ai họat động trong lãnh vực mỹ thuật. Riêng việc ra đời của Hội Họa sĩ Trẻ là một sự kiện có tính bước ngoặc cho giai đoạn phát triển sâu vào hội họa hiện đại của mỹ thuật miền Nam Việt Nam. Hầu như không có một trường phái hội họa nào đang là trào lưu của thế giới mà không được các họa sĩ trẻ miền Nam cập nhật và thử nghiệm. Và họ đã gặt hái được những thành tựu làm thay đổi chất lượng sáng tạo của mỹ thuật miền Nam: từ đơn điệu, đậm chất họa thuật trường qui sang phóng khóang, tự chủ, đầy cá tính, và tiên tiến. Năm 1972, Hiệp hội Nghệ sĩ Tạo hình Thế giới đã chọn triển lãm tác phẩm gốc của các danh họa hiện đại như Picasso, Miró, Max Ernst, Soulage tại Sài Gòn. Thành phố này bấy giờ thực sự là trung tâm mỹ thuật hiện đại của Việt Nam.


Tạ Tỵ, Khăn choàng (bột màu), 1956

Sự lớn mạnh của hội họa miền Nam trong hai mươi năm (1954 – 1975) hoàn toàn hợp với qui luật phát triển,vì nó nhận được các điều kiện thuận lợi từ thể chế chính trị dân chủ cho đến nền kinh tế hưng thịnh, và một mặt bằng văn hoá, giáo dục tốt đẹp. Đó cũng là kết quả có tính tác động qua lại giữa ba khuynh hướng nghệ thuật: những nhà tiền phong (tự học hoặc từ bỏ trường quy), những người bảo thủ (đề cao trường quy),và những họa sĩ trẻ. Cần lưu ý là chính cuộc di cư năm 1954 của các văn nghệ sĩ Hà Nội đã đem một luồng gió mới cho sự phát triển văn hoá ở miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng, trong đó hội hoạ hiện đại là một phần quan trọng của hiện tượng vừa nêu với sự đóng góp rất lớn của các hoạ sĩ hoạt động độc lập như Nguyễn Gia Trí, Tạ Tỵ, Văn Đen,Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Vị Ý…


Nguyễn Trung, Cô gái và ngựa (sơn dầu), 1967

Rất tiếc, chiến tranh đã càng ngày càng leo thang tại miền Nam từ sau ngày tổng thống Diệm bị một số tướng lãnh Sài Gòn lật đổ với sự hậu thuẫn của người Mỹ, khiến cho các hoạt động văn học nghệ thuật bị ảnh hưởng rõ rệt. Giải thưởng Hội hoạ Mùa xuân bị huỷ bỏ; một giải thưởng Văn học Nghệ thuật Tổng thống mang xu hướng bảo thủ ra đời.

3. Đối Với Miền Nam

Tất cả sinh họat mỹ thuật theo cách Sài Gòn đều phải dừng lại, nếu không muôn nói là phải hủy bỏ, kể từ ngày 30-4-1975. Nghệ sĩ phải “tự cải tạo” dưới chế độ mới, chế độ Xã hội Chủ nghĩa. Nhiều tác phẩm hội họa bị chế độ mới đốt bỏ hoặc đưa vào bộ sưu tập “tội ác Mỹ Ngụy”. Cá nhân tác giả có bốn bức tranh thuộc bộ sưu tập của cố tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh đã bị chính chủ nhân đốt bỏ vì sợ hãi vào những ngày đầu Sài Gòn sụp đổ. “Trên Vùng An Nghỉ”, đoạt giải thưởng Hội họa Mùa xuân năm 1964, là một trong những bức tranh xấu số ấy.


Trên Vùng An Nghỉ, Trịnh Cung, 1962

Nhiều họa sĩ trẻ tài năng hàng đầu của hội họa Sài Gòn như Nguyễn Trung, Nguyên Khai… đã từ bỏ dòng tranh lãng mạn hiện đại để vẽ những tranh ca tụng Thanh niên Xung phong, bộ đội, công nhân theo chỉ đạo của chính quyền mới. Ngược lại, hơn phân nửa số họa sĩ tài năng không chấp nhận sự tước đoạt quyền tự do sáng tạo đã không tham gia họat động của Hội Mỹ thuật nhà nước, tiếp tục sáng tác độc lập hoặc tìm đuờng vượt thoát đến các nước tự do.

Hậu quả chiến tranh đối với mỹ thuật miền Nam rất nặng nề. Nó không chỉ làm sụp đổ lâu đài nghệ thuật hiện đại đang trên đường hoàn thành, mà còn thủ tiêu ý thức tự do sáng tạo của giới nghệ sĩ miền Nam. Đây là một thành công của chế độ mới. Góp phần vào sự thành công đó có phần hèn nhác của một số nghệ sĩ, họ đã giúp các nhà quản lý đóng nắp quan tài cho sáng tạo nghệ thuật của Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung.

Sài Gòn, 2008

----------------------------------------------------------

CÁI ĐẸP CÓ TIÊU CHUẨN KHÔNG?

Tác giả : Họa sĩ TRỊNH CUNG

Câu chuyện thứ nhất

Trong một buổi chiều ngồi ở càfê vỉa hè Highlands trên đường Đồng Khởi cùng với vài anh bạn, thấy một “chân dài” thanh mảnh trong một bộ áo váy ôm sát người hở nửa phần lưng rất bắt mắt kiêu kỳ lướt ngang qua, tôi buột miệng thốt lên: “Wow! Đẹp quá!”

“Ối giời ơi! Khẳng khiu như một cái que biết đi thế mà cậu cho là đẹp ấy à?” Anh bạn tôi, một nhà văn, giãy nảy.

Câu chuyện thứ hai

Trong một cuộc triển lãm tranh quốc tế tại một thành phố nọ, các tác phẩm được giải cao nhất đều là những tranh vẽ theo lối trừu tượng, nhiều người đi xem triển lãm đã tỏ ra bất bình với kết quả ấy, họ chỉ vào vài tác phẩm vẽ theo lối tả thực và cự nự: “Vẽ giống y như thật thế này mà sao không được trao huy chương vàng thế? Thật là bất công!”

Câu chuyện thứ ba

Trong một cuộc thi Tiếng Hát Truyền Hình gần đây, trước đêm chung kết, tôi nhận được một cuộc gọi của anh bạn Việt kiều: “Cậu chơi thân với TL, LA, hay NN,... nói hộ tôi, xếp cho Th vào giải chính, càng cao càng hay, tôi hứa lo đủ. Tôi gọi hoài mà LA không bắt máy...”. Và anh bạn say sưa “bài ca ngợi” bất tận về cô Th tuyệt vời và đầy triển vọng nào đó — một người sinh ra chỉ để làm ca sĩ chứ không thể là cái gì khác. Tôi vội mở tv để xem thực hư thế nào thì thấy cô Th mà anh bạn nói đến quả là một mỹ nhân rất bốc lửa, nhưng giọng hát thì... chỉ đáng làm ca sĩ karaoke mà thôi.


“Cái đẹp có tiêu chuẩn không?”

Vẻ đẹp phụ nữ trong tranh Pierre-Auguste Renoir

Ba câu chuyện trên có thể đã nói lên sự phức tạp của vấn đề thẩm mỹ trong sinh hoạt văn nghệ và trong đời sống hằng ngày. Thế nào thì được gọi là một cô gái đẹp, một tác phẩm mỹ thuật có giá trị, hay một giọng hát sáng giá? Lẽ dĩ nhiên đây là một công việc khó khăn và không phải ai cũng có khả năng đưa ra sự chọn lựa xác đáng, thường người ta phải dựa vào kết quả bình chọn của một tập thể những nhà chuyên môn có nhiều kiến thức về nghệ thuật được uỷ nhiệm làm giám khảo.

Tuy thế, không phải tất cả các kết quả ấy đều được dư luận đồng tình. Ở đây chúng ta không bàn đến những kết quả bất thường vì những lý do tiêu cực mang tính mua chuộc hoặc thương mại. Trình độ kiến thức và thị hiếu không cùng một đẳng cấp thường là nguyên nhân chính của những kết quả không thuyết phục. Và để biện minh cho những bất đồng này, nhiều người thường đem thành ngữ “chín người mười ý” ra để khoả lấp cho xong chuyện.

Thực ra, cái đẹp có những tiêu chuẩn riêng cho từng sự vật và sự việc, và nó thay đổi theo sự phát triển của từng thời kỳ văn hoá và văn minh của loài người. Từng thời kỳ một có thể kéo dài qua nhiều thế kỷ hoặc chỉ từng thế kỷ, các khái niệm về cái đẹp nối tiếp nhau thay đổi bởi sự đòi hỏi của cuộc sống con người, mặc dù không thiếu những tranh cãi thường xuyên và liên tục về những tiêu chuẩn của cái đẹp. Các triết gia từ Socrates xa xưa cho đến Hegel đã nối tiếp nhau đi tìm một định nghĩa thống nhất cho cái đẹp phi vật chất (la beauté immatérielle) và coi việc nghiên cứu cái đẹp là một khát vọng vĩnh cửu. Và mỹ học đã trở thành một chuỗi hạt ngọc về tư tưởng quanh cái đẹp không ngừng được bổ sung và tiếp tục suy nghiệm theo mỗi bước đi của thời đại. Cái đẹp ở trong vô số dạng thức khác nhau như văn học, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, thời trang, thân xác, ngoại cảnh, nội thất; và bao trùm lên hết thảy là vẻ đẹp phi vật chất, như Socrates đã nói: “Nhìn là giác quan tinh vi nhất của cơ thể, đồng thời cái đẹp cũng đã nhận từ sự phân chia của tạo hóa cái phần đáng yêu nhất.”


Vẻ đẹp phụ nữ trong tranh Amedeo Modigliani

Tựu trung, nói theo cách đơn giản hơn, để cảm nhận được cái đẹp, chúng ta phải nhờ vào hai điều kiện: 1. cảm tính; 2. kiến thức. Những người không có điều kiện học đầy đủ thường chọn lựa vẻ đẹp theo bản năng, cảm tính của mình. Nhưng sự cảm thụ cái đẹp trong các công trình nghệ thuật lại không thể dễ dàng với tầng lớp công chúng bình dân vì họ ít được tiếp cận và thiếu cập nhật với các thông tin về những trào lưu sáng tạo mới xuất hiện. Ngay cả trong giới trí thức và văn nghệ sĩ chúng ta cũng không có nhiều người thường xuyên tiếp xúc với nghệ thuật mới và các thông tin về hoạt động sáng tạo mỹ thuật của các cộng đồng khác trên thế giới, nên tình trạng dễ bị tụt hậu và bảo thủ là điều không tránh khỏi.

Mỗi thời đại, riêng đối với mỹ thuật, các tiêu chuẩn của cái đẹp trước hết được định ra bởi những nhà sáng tạo. Các hoạ sĩ cổ điển thời tiền phục hưng cho đến các hoạ sĩ thời tân cổ điển kéo dài từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19 đã thiết lập và giữ vững các tiêu chuẩn của cái đẹp dựa vào sự cân đối, hài hoà, nhịp nhàng và chặt chẽ về bố cục, màu sắc, đường nét, ánh sáng bằng một bút pháp tinh tế và nắn nót. Đầu thế kỷ 20, các nhà tiền phong thời hiện đại đã phủ lên những tiêu chuẩn ấy một tấm vải liệm bằng những khái niệm hoàn toàn mới về cái đẹp của những tác phẩm mỹ thuật. Những sự phá vỡ phép cân đối, luật viễn cận, không gian hai chiều và tình hoà hợp của màu, khởi từ trường phái Ấn tượng đến Trừu tượng đã làm thay đổi lớn lao các tiêu chuẩn của cái đẹp trong tác phẩm mỹ thuật.


Vẻ đẹp phụ nữ trong tranh Francis Bacon

Một ví dụ rất cụ thể cho sự thay đổi mau chóng quan niệm về cái đẹp hình tượng con người: chỉ trong không hơn ba thập niên đầu của thế kỷ 20, từ mẫu mực vẻ đẹp đẫy đà phồn thực của Auguste Renoir chuyển sang hình mẫu dài và buồn của Modigliani, và lại được Francis Bacon lập ra một hình mẫu con người tật nguyền, biến dạng và cực kỳ cô đơn. Các nhà mỹ học đã gọi đây là thời đại của “thẩm mỹ chông chênh” (esthétique de choc). Thẩm mỹ chông chênh này đã tồn tại không quá 50 năm ở phương Tây.

Mỹ học đương đại đã trở thành cơn lốc ngày càng mạnh sau khi Marcel Duchamp lập ra mỹ thuật ý niệm với " Cái bồn tiểu " (1917), và ngày nay mỹ thuật ý niệm không chỉ diễn ra ở các nước Âu Mỹ mà đang tràn qua các lục địa còn lại.

Triết học giải cấu — déconstruction (có nơi gọi là huỷ cấu trúc) của Jacques Derrida — có lẽ đã nhìn nhận cần phải phá vỡ những tiêu chuẩn cái đẹp đã được thiết lập bởi chủ nghĩa hiện đại của những nhà tiền phong như Tristan Tzara, Jean Arp, Max Ernst, Marcel Duchamp, Paul Klee,... và mở ra một bầu trời mỹ học đương đại cho thời đại mỹ thuật “bây giờ” (Art Now).

Rõ ràng cái đẹp luôn luôn có những tiêu chuẩn khác nhau của nó, tuỳ vào từng thời đại mà nó được tạo ra. Cái đẹp là một khái niệm mở, tạo ra những vẻ đẹp biến hoá không ngừng trong nghệ thuật nói riêng và trong đời sống nói chung. Vì thế, sự bắt chước rập khuôn, tuân theo những nguyên tắc của người đi trước để làm công việc sáng tạo và thẩm định giá trị tác phẩm hôm nay, là dấu hiệu tiêu vong của nghệ thuật.

SG, 01.12.2008

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét