Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Bàn về nghệ thuật trừu tượng

Nghệ thuật nào, dù là cao siêu đến đâu, thì cũng phải gắn với cuộc sống, xuất phát từ hiện thực cuộc sống, nhưng để hiểu và cảm nhận được ý nghĩa đích thực, thì lại không thể chỉ nhìn bằng hiện thực giản đơn mà có được.
Nói về nghệ thuật, nhà thơ Tagor cho rằng, nghệ thuật làm ra không phải chỉ để cắt nghĩa một điều nào đó mà là phản ánh một cái gì được hoàn thiện tự bên trong.
Khi ngôn ngữ không thể đủ để biểu đạt được một trạng thái ý niệm hay "tư duy vô thức" nào đó, lúc đó cần đến "ngôn ngữ trừu tượng". Đó cũng là trạng thái tinh thần đạt đến cái “vô” trong quan niệm của đạo Phật. “Tâm để yên như màu trắng, khi phân ra mới thành trăm màu” (Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí). Biểu hiện của nghệ thuật rất đa dạng, phong phú, trong đó Trừu tượng là một trong những hình thức giúp họa sĩ biểu đạt hiện thực.
Thuật ngữ “Trừu tượng” (abstract) dùng để chỉ những gì khái quát, chung nhất của tư duy. Trừu tượng hóa là khả năng tổng hợp, khát quát để chọn ra những đặc điểm, tính chất chung nhất, tiêu biểu nhất của một hay nhiều sự vật, hiện tượng. Như vậy, trừu tượng là hình thức tư duy rất cao và phức tạp của bộ não. Khả năng tư duy trừu tượng chỉ có ở con người, không có ở các loài động vật khác. Nó phản ánh trình độ tiến hóa của bộ não và là biểu hiện quan trọng của sự phát triển văn minh.
Trường phái Trừu tượng (abstractionisme) ra đời ở Mỹ và châu Âu giai đoạn cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 cùng với sự phát triển của nhiều trường phái khác (Ấn tượng, Siêu thực, Lập thể, Biểu hiện,…), chủ trương thoát khỏi sự ràng buộc của hình thể, tự do biểu đạt ý niệm, giải phóng tư tưởng,… Thực ra yếu tố trừu tượng có nguồn gốc từ xa xưa, rõ nhất là trong chữ viết của người Trung Quốc, thực chất đây là một dạng tranh trừu tượng. Trong quan niệm của người Trung Quốc, chữ viết và hội họa có chung một nguồn gốc (thư họa đồng nguyên). Trường phái Trừu tượng sau khi ra đời đã nhanh chóng phân thành nhiều khuynh hướng, ngày nay không còn tồn tại các hình thức kiểu chủ nghĩa như vậy mà xuất hiện nhiều phong cách cá nhân vô cùng đa dạng.
Tranh trừu tượng là một thể loại khó lĩnh hội đối với nhiều người, ngay cả những người làm nghệ thuật cũng chưa phải đã nắm vững được thể loại này. Không chỉ có dòng tranh trừu tượng mà các tác phẩm nghệ thuật Đương đại cũng thách thức sự cảm thụ thẩm mỹ của nhiều người xem. Nó đòi hỏi người xem phải có một trình độ văn hóa, hiểu biết và kinh nghiệm nhất định.
Quan niệm về nghệ thuật cũng như cái đẹp đã thay đổi nhiều, mục đích của nghệ thuật ngày nay không chỉ đơn thuần là mô tả và ca ngợi cái đẹp, mà nghệ thuật phải phản ánh hiện thực cuộc sống (bao gồm cả hai mặt xấu - đẹp; tích cực - tiêu cực). Mặt khác, cái Đẹp trong nghệ thuật không phải để phân tích "mổ xẻ", mà để cảm nhận. Những người muốn phân tích những chi tiết "đẹp" trong một tác phẩm hội hoạ nghệ thuật theo cách nhận định một bức ảnh tả chân, thì sẽ luôn đi nhầm đường. Cảm nhận một tác phẩm trừu tượng hay bất kì một tác phẩm nghệ thuật nào cần quên đi ham muốn phân tích, biện luận, để cho tâm trí được thả lỏng, tự do, giống người nghệ sĩ xiếc đi trên dây, họ phải tập trung cao độ, không để tâm đến những điều khác, dù chỉ là thoáng qua, nếu không sẽ mất thăng bằng và ngã xuống đất. Vì vậy, vô thức là nguồn gốc của ý thức và nghệ thuật. Người xem nếu không được chuẩn bị những hiểu biết cần thiết sẽ dễ bị lạc hướng, không biết bắt đầu như thế nào.
Có một họa sĩ từng nói “…không vẽ được hiện thực mới vẽ trừu tượng…”. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, vì chính người nói là một họa sĩ trừu tượng, song ý người nói không nhằm chỉ trích tranh trừu tượng, mà nhằm phê phán những người không nắm chắc quy tắc cơ bản, bỏ quên hiện thực, “lao thẳng” vào trừu tượng; lại có người muốn lừa thiên hạ bằng lối vẽ nhập nhèm, hổ lốn và cho đó là "nghệ thuật trừu tượng" để che dấu sự non kém của mình. Đó là không hiểu nghệ thuật trừu tượng, mà chỉ là những suy nghĩ lờ mờ, thiếu thực tiễn mà không xuất phát từ hiện thực cuộc sống.
Nghệ thuật nào, dù là cao siêu đến đâu, thì cũng phải gắn với cuộc sống, xuất phát từ hiện thực cuộc sống, nhưng để hiểu và cảm nhận được ý nghĩa đích thực, thì lại không thể chỉ nhìn bằng hiện thực giản đơn mà có được.
Hiện thực và trừu tượng là hai mặt của một vấn đề. Trừu tượng chỉ là cái vỏ, hiện thực mới là cốt lõi. Chính vì thế mà tất cả các họa sĩ, dù là trường phái nào, cũng đều mong muốn mình là họa sĩ hiện thực. Danh họa Picasso nói: “Thực ra đâu có nghệ thuật nào thuần túy là trừu tượng…đó chỉ là cách đặt tên để phân biệt. Bao giờ anh cũng phải bắt đầu bằng một cái gì đó. Cũng không có hội họa có hình dung hay không có hình dung. Mọi thứ đều hiện ra trước chúng ta dưới hình thức của một hình dạng nào đó. Ngay cả những ý tưởng siêu hình cũng có thể được diễn tả bằng những hình dạng có tính biểu trưng. Thật lố bịch khi nghĩ đến một nền hội họa không có hình dạng”.
Trong cuộc sống, trong nghệ thuật - dù là lĩnh vực nào, thậm chí ngay cả trong suy nghĩ hàng ngày của mỗi con người, cũng đã và luôn có sẵn yếu tố trừu tượng. Với hội hoạ, ngay cả những tác phẩm vẽ tả thực nhất vẫn có tinh thần đó, có điều không phải người xem nào cũng nhận ra.
Như vậy, trừu tượng không phải là một hình thức xa lạ mà trái lại, rất gần gũi với con người. Đặc biệt với người nghệ sĩ, tư duy trừu tượng là một phẩm chất cần phải có. Trong thiên nhiên có vô số các hình thù, đường nét, màu sắc, người vẽ phải chắt lọc, chọn ra những gì cần thiết cho mình, để tạo ra tác phẩm vừa có tính hiện thực vừa có tính điển hình. Như vậy khả năng khái quát, trừu tượng hóa rất cần thiết và là thước đo tài năng của người nghệ sĩ.
Do có sự khái quát cao nên nhiều người vẫn hiểu tranh trừu tượng thì phải nhập nhằng, khó hiểu. Thực ra như vậy vẫn là nhìn nhận hội họa theo lối cũ, nghĩa là phải có đối tượng miêu tả, có hình dung cụ thể. Hiểu như vậy là phiến diện và hạ thấp tranh trừu tượng. Cần phải hiểu rằng trừu tượng là hình thức phản ánh phù hợp với những ý tưởng siêu hình, tình trạng vô định của tâm thức. Vì thế, vẽ trừu tượng không hề đơn giản, không phải ai cũng vẽ được. Danh họa người Mĩ Willem De Kooning đã đưa ra những "ý niệm mơ hồ" về trừu tượng như sau: “Không một vật thể nào có thể bị trói buộc và bất kì tính chất chính xác nào đó xác định vật thể đó trong thực tại…đôi khi tôi vẽ ra những khối hình chẳng có một ý nghĩa (theo nghĩa đen) nào cả. Đôi khi những khối hình đó là những ngẫu nhiên hiện ra phù hợp với mục đích của tôi, đôi khi chúng là những vần thơ đồng vọng gợi những khối hình khác; và đôi khi những môtíp có tính nhịp nhàng hợp nhất thành một bố cục, đưa lại cho bố cục ấy một chuyển động. Các vật thể không tồn tại vì tôi, ngoại trừ theo một góc độ dưới tư cách một mối quan hệ tồn tại giữa chúng hoặc giữa chúng và bản thân tôi…”. Và quan niệm về cái đẹp của ông cũng rất gần với nghệ thuật phương Đông và trường phái Trừu tượng: “…Nó không có mặt ở đây. Nó ở trong một trạng thái không hiện diện tại đây. Nó vắng mặt, đó chính là lí do tại sao nó quá đẹp”.
Có thể ví von, tranh trừu tượng giống như một bản giao hưởng mà tất cả phải phối hợp làm một, tạo nên âm hưởng chung, nếu không, bản nhạc sẽ loạn như âm thanh của cái chợ. Trong bức tranh, màu sắc, đường nét hòa quyện với nhau tác động tới người xem gợi cảm xúc hay ấn tượng nào đó. Nếu người vẽ không am hiểu, không làm chủ và ý thức được mình thì kết quả chỉ là hành động bôi (tự phát) mà không phải vẽ (tự giác), đường nét màu sắc sẽ rời rạc, vô hồn.
Trừu tượng chỉ là một trong nhiều hình thức để biểu đạt hiện thực cuộc sống. Nó là phương tiện, không phải là mục đích cuối cùng.
“Sáng tác có lúc như trong mơ, người vẽ không suy nghĩ mà chỉ làm. Khi đã nghĩ mình vẽ trừu tượng thì bức tranh lại không còn là trừu tượng nữa”. Câu nói của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã chỉ rõ chỗ uyên bác tưởng chừng như rất "mâu thuẫn" của nghệ thuật. Vì thế, ngoài sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật cộng với sự thăng hoa, sáng tạo của tư tưởng, thì sự thành công của tác phẩm nhiều khi nằm ngoài sự mong muốn và cố gắng của tác giả.
VŨ TUẤN DŨNG (TẠP CHÍ TUYÊN GIÁO)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét